Hủy xếp hạng di tích: Câu chuyện nhìn từ hai phía

GD&TĐ - Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định hủy bỏ việc xếp hạng đối với hai di tích lịch sử - văn hóa, do bị xây dựng mới và không thể phục hồi giá trị ban đầu.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Ngày 12/11, tỉnh Thanh Hóa đưa ra quyết định về việc hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với nhà thờ họ Lê Hữu (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) - một di tích 400 năm tuổi (được xếp hạng đầu năm 2009), nhưng đã xây dựng mới hoàn toàn.

Trước đó, ngày 28/10, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ra quyết định hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn) được xếp hạng năm 2006, với lý do tương tự.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL Thanh Hoá, nhà thờ họ Lê Hữu được xây dựng vào những năm 1612. Qua nhiều lần tu sửa, diện mạo nhà thờ vẫn được giữ nguyên kết cấu kiến trúc xưa và được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2009.

Tuy nhiên, từ năm 2017 di tích nhà thờ đã bị dòng họ Lê Hữu phá bỏ hoàn toàn, xây dựng công trình mới mang kiểu dáng kiến trúc khác lạ, không được các cấp có thẩm quyền thẩm định.

Tại di tích chùa Bạch Tượng, từ năm 2018 tỉnh Thanh Hóa có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư tôn tạo, tu sửa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra nhiều sai phạm và vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.

Việc hủy bỏ việc xếp hạng khi di tích bị hủy hoại không có khả năng phục hồi là đúng luật. Tuy nhiên, câu chuyện này phải nhìn từ hai phía và đặt ra những vấn đề cho các nhà quản lý văn hóa, cũng như toàn xã hội phải suy nghĩ để có thể điều chỉnh một số vấn đề cấp thiết.

Khi Nhà nước hay bất kỳ địa phương nào ra quyết định xếp hạng di tích, cũng đều quan tâm đến các yếu tố chân xác của lịch sử. Tính toàn vẹn của di tích là khuôn mẫu buộc phải gìn giữ, để tôn vinh các giá trị di sản mà tiền nhân để lại.

Nhà nước không chỉ quản lý mà còn phải sát sao trong việc bảo vệ di tích. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự chểnh mảng của các cấp quản lý là một trong những nguyên nhân dẫn tới di tích bị huỷ hoại.

Trong trường hợp nhà thờ họ Lê Hữu thể hiện rõ điều này. Khi người dân phá bỏ di tích, chính quyền ở đâu - để khi họ đưa vào sử dụng, mới đau lòng nhận lấy quyết định hủy xếp hạng?

Còn một thực tế mà ít người nói ra vì khá tế nhị, đó là sự phiền hà khi được (bị) xếp hạng di tích. Những nhiêu khê trong việc quản lý, phân cấp, phân quyền và đặc biệt phức tạp trong các quy trình phê duyệt trùng tu - đã khiến một số dòng họ có công trình được xếp hạng di tích cảm thấy không thoải mái.

Không loại trừ có dòng họ cố tình hủy hoại di tích để “thoát” việc xếp hạng. Cho nên, việc nâng cao nhận thức của cấp chính quyền địa phương và người dân là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Đồng thời, ngành văn hóa nên điều chỉnh các quy định sao cho hài hòa - giữ được giá trị di tích nhưng cũng tạo sự thoải mái về tâm lý đối với tập thể và cá nhân liên quan đến di sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.