Huy động nguồn lực cho năm học mới

GD&TĐ - Bước vào năm học mới, các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tập trung nguồn lực để vận động học sinh ra lớp. Trong đó, đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhà trường và xã hội…    

Huy động nguồn lực cho năm học mới

Không để HS nghèo gặp khó

Đó là chia sẻ của nhiều lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương ĐBSCL trước thềm năm học mới. Đặc biệt, sự quan tâm, động viên các em HS nghèo, hoàn cảnh khó khăn càng được chú ý hơn ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua.

Không chỉ riêng nhà trường mà chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội cũng vào cuộc, chăm lo cho HS. Trước thềm năm học mới, các Hội Khuyến học, Sở, Phòng GD&ĐT, Liên đoàn Lao động, các hội đoàn thể… đã vận động mạnh thường quân và sử dụng nguồn quỹ hiện có để hỗ trợ học bổng, sách giáo khoa, quần áo cho HS có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Sự giúp đỡ kịp thời của các tổ chức đã giúp các em yên tâm đến trường, không gián đoạn việc học trong năm học mới...

Thầy Đoàn Văn Trí - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) chia sẻ: “Do địa bàn là huyện vùng biên giới, đời sống người dân nhiều khó khăn nên công tác hỗ trợ HS nghèo, hoàn cảnh khó khăn được địa phương rất quan tâm. Hội Khuyến học cấp huyện, xã rất tích cực trong việc hỗ trợ tập, sách, học bổng cho HS. Kể từ ngày 22/8, HS trên địa bàn bắt đầu học chính thức, sau ngày này em nào chưa đến lớp thì ngành Giáo dục kết hợp với chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng đến nhà vận động. Chúng tôi không để xảy ra tình trạng HS vì hoàn cảnh nghèo khó mà không được đến trường”.

Ở ĐBSCL, vào đầu năm học mới, những phần quà gồm học bổng, tập, sách, quần áo, áo phao… luôn là nguồn động viên lớn đối với các em HS, đặc biệt là các em sống vùng sông nước. Cũng như mọi năm, ở huyện biên giới đầu nguồn An Phú (An Giang), ngoài việc lo vận động HS ra lớp, các trường cũng chuẩn bị phương án đưa rước HS nơi bị nước lũ chia cắt. Năm nay, theo dự báo ban đầu tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp nên các trường đã sẵn sàng phương án và phương tiện.

Như Trường TH B Vĩnh Hội Đông đến nay đã chuẩn bị xong phương án đưa rước HS trong mùa lũ vì trường nằm ở địa bàn ngập sâu. Việc này được nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua khi mùa lũ dâng cao. Do người dân ở 2 ấp Vĩnh An, Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hội Đông) đều sống bằng nghề câu lưới nên rất khó khăn trong việc đưa rước con em khi lũ dâng cao. Năm nay, khi con nước lũ dâng lên, nhà trường sẽ phối hợp địa phương thực hiện đưa rước khoảng 130 HS bằng phương tiện xuồng máy.

Bên cạnh đó, HS ở huyện biên giới đầu nguồn An Phú còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ địa phương và các mạnh thường quân. Mỗi dịp đầu năm học, ngành GD&ĐT huyện An Phú tổ chức chương trình “Tiếp bước đến trường”. Theo thầy Thái Kim Khải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú: Đây là tấm lòng của thầy cô trong ngành GD cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Mỗi phần quà hỗ trợ sẽ là niềm động viên lớn đối với các em HS nghèo, HS hoàn cảnh khó khăn. Đây là niềm hạnh phúc của các em và cũng là niềm vui cho những người làm công tác giáo dục tại địa bàn đầu nguồn An Phú.

Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất

Theo chia sẻ của thầy Đoàn Văn Trí - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp): “Năm học mới, thầy trò chúng tôi rất vui vì một số trường nằm ở vành đai biên giới đã được Bộ đội Biên phòng đầu tư đường đi và xây dựng phòng học khang trang. Một số điểm trường nằm sâu trong các cụm dân cư dọc biên giới trước đây phải đi bằng xuồng nhưng năm học này xe máy đã đến được. Nhờ đó phụ huynh rất vui mừng, công tác vận động HS ra lớp của ngành Giáo dục cũng dễ hơn rất nhiều”.

Thời gian qua, dù có nhiều cố gắng và ưu tiên đầu tư nhưng cơ sở vật chất, trường lớp ở ĐBSCL vẫn còn khó khăn. Do đó bên cạnh việc huy động HS ra lớp, công tác đầu tư cơ sở vật chất cũng được các địa phương quan tâm. Bước vào năm học 2016 - 2017, nhiều ngôi trường mới khang trang được đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu trường lớp diễn ra lâu nay.

Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, năm học 2016 - 2017 ngành tập trung 2 vấn đề: Nâng cao cơ sở vật chất và ổn định đội ngũ giáo viên các trường. Đến nay, việc tu sửa trường lớp đã hoàn thành với suất đầu tư hơn 20 tỉ đồng (sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp...). Toàn tỉnh có 433 phòng học và 101 phòng chức năng được sửa chữa. Trong đó có 86 phòng cấp mầm non, 267 phòng TH, 63 phòng THCS và 118 phòng THPT với tổng kinh phí hơn 26 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 151 phòng học và 287 phòng chức năng được xây mới và đưa vào sử dụng.

Ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp - cho biết: Năm học 2016 - 2017 là năm học bản lề để triển khai các nội dung, đặc biệt là “Đề án nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh đến 2020” mới được HĐND tỉnh thông qua. Năm học này bắt đầu bước chuẩn bị quan trọng để đạt được những mục tiêu của Đề án nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn. “Ngoài nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cho các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, ngành quyết tâm chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Vì trong những năm qua đã phát sinh một số vấn đề, chúng tôi nhận thấy rằng cấp THCS cần phấn đấu nhiều hơn nữa. Do vậy năm học này là năm học quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục bậc THCS…”.

Tỉnh Bến Tre, địa phương ảnh hưởng nặng nề của đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua cũng đã cố gắng đầu tư cho ngành Giáo dục trước thềm năm học mới. Theo Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp trên 60 phòng học (ở 13 trường), tổng dự toán ước trên 5 tỉ đồng. Bên cạnh đó Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Thạnh Phú) sẽ được đưa vào khai thác sử dụng từ năm học 2016 - 2017, tổng mức đầu tư trên 20 tỉ đồng (trường đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 xây dựng khối phòng lý thuyết từ nguồn vốn ADB). Ngoài ra đã đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị dùng chung, thiết bị phòng chức năng cho các trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh với kinh phí 4,4 tỉ đồng...

Trước thềm năm học mới 2016 - 2017, không chỉ có ngành Giáo dục mà nhiều đơn vị, tổ chức, xã hội luôn song hành. Đây là niềm động viên lớn cho đội ngũ thầy cô giáo và các em HS. Chính sự quan tâm, đồng hành đó giúp thầy trò tiếp tục vượt khó, nâng cao chất lượng giáo dục. Sự vào cuộc của cả xã hội trước thềm năm học mới chứng tỏ sự nghiệp GD&ĐT đang nhận được sự ủng hộ, kỳ vọng trong mỗi người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ