(GD&TĐ) – Đó là mục đích của Chương trình Hội thảo “Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS”, do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức trong hai ngày 29, 30/5/2012, tại Hà Nội.
|
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: gdtd.vn) |
Các ý kiến tại Hội thảo đều khẳng định, sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là vai trò của các tổ chức xã hội, góp phần quan trọng duy trì tính bền vững trong việc điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại nước ta trong thời gian tới.
Ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống AIDS (Bộ Y tế), cho biết, dịch HIV/AIDS ở nước ta đang có xu hướng chững lại, đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn chưa thể khống chế được.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, dịch HIV/AIDS đang gia tăng qua đường quan hệ tình dục không an toàn; người nhiễm HIV/AIDS hiện đang có xu hướng trẻ hóa (tập tung trong nhóm từ 30-39 tuổi); tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy và mại dâm (hơn 40% trường hợp phát hiện nhiễm HIV trong năm 2011 là người nghiện chích ma túy)…
Theo ước tính, số người nhiễm HIV tại Việt Nam trong năm 2011 khoảng 260.000 người và có thể tiếp tục tăng lên hơn 280.000 người vào năm 2012.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả đang ghi nhận, nhận thức của xã hội về phòng, chống HIV/AIDS đang ngày càng tích cực; tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người không may nhiễm HIV từng bước bị đẩy lùi; số người nhiễm mới HIV, chuyển sang AIDS và tử vong vì AIDS đều giảm…
Trong thời gian tới, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động này.
Theo báo cáo tại Hội nghị, 74% nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đến từ các nguồn tài trợ quốc tế. Thời gian tới, khi các nguồn tài trợ dần rút khỏi, sẽ rất khó khăn để duy trì được những thành quả đã đạt được trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để có thể duy trì tính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới, cần tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước, sửa đổi những vướng mắc về mặt pháp lý; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS; từng bước đưa phòng, chống HIV/AIDS vào bảo hiểm y tế. Mặt khác, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội tham gia hoạt động trong công tác này.
Ông Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh, để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả hơn nữa, trước hết, cần thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với vị trí, vai trò các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xem xét, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân sách; Cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các tổ chức xã hội có thể tham gia tích cực hơn nữa vào công tác này, góp phần đẩy lùi sự lây lan của “Căn bệnh thế kỉ”.
Lộc Hà