Hướng con làm từ thiện từ khi còn nhỏ là đáng trân trọng và khuyến khích, tuy nhiên cũng phải đúng cách chứ không nên vì chạy theo phong trào…
Phải xuất phát từ lòng vị tha
Muốn đứa trẻ thực sự biết ý nghĩa của chuyện làm từ thiện, giúp đỡ đồng loại, thì trước hết phải dạy trẻ biết yêu thương. Khởi nguồn cần giúp trẻ cảm thấy mình luôn được yêu thương, trước tiên là tình yêu, sự quan tâm của gia đình, họ hàng.
Cảm nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình của cha mẹ, đứa trẻ sẽ củng cố được sự tự tin và cảm giác an toàn cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng phải dạy cho trẻ hiểu rằng có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu như: Quan tâm, hỏi han mọi người, chia sẻ, giúp đỡ khi họ cần hay đơn giản chỉ là cố gắng chăm ngoan, học tốt để làm vui lòng ông bà, cha mẹ…
Khi nói chuyện về vấn đề này cha mẹ cần sử dụng ngôn từ rõ ràng,
dễ hiểu và nêu những ví dụ minh họa cụ thể. Việc đọc/kể cho con nghe những câu chuyện nêu gương rồi hỏi suy nghĩ, cảm nhận của trẻ, sau đó giảng giải nội dung cần thiết cũng có hiệu quả tích cực.
Tuy vậy, bạn cũng cần phải kiên nhẫn vì trẻ không thể hiểu được về tình yêu trong 1, 2 ngày. Đây là vấn đề cần học tập suốt đời nhưng luôn ghi nhớ rằng tình yêu trong gia đình là yếu tố tác động trực tiếp và sâu rộng tới thái độ ứng xử tích cực của trẻ với người khác.
Khi đã bồi đắp được tình yêu thương đồng loại cho trẻ thì mới nên hướng trẻ trực tiếp tham gia vào hoạt động thiện nguyện. Có những gia đình dịp Tết đưa con tới bệnh viện trao quà cho bệnh nhân nghèo, nhưng đứa trẻ thực sự không hiểu được ý nghĩa việc làm thiện nguyện này, lại biến phòng bệnh nơi rất cần sự yên tĩnh thành chốn nô đùa, chạy nhảy la hét gây mất trật tự.
Rồi có bố mẹ lấy đó để “khoe” thành tích của con quay ra chụp ảnh “tự sướng” với người bệnh – gây ra sự phản cảm rất không hay.
Đa dạng hình thức thiện nguyện
Có nhiều cách để trẻ được hòa mình vào một hoạt động thiện nguyện thực sự. Có khi ngay vào dịp sinh nhật của trẻ, thay vì các món quà, bạn có thể trao đổi trước với bạn bè, người thân và đề nghị họ mang tặng những món quà là những loại thực phẩm có thể để lâu được cũng như các món đồ chơi có thể trao tặng cho các em bé đang ở bệnh viện.
Sau khi con nhận quà tặng, bạn cần nói rõ lý do để trẻ biết và thực hiện việc trao tặng lại cho các bạn nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hơn. Không cần đi đâu xa, trong cuộc sống thường nhật, ngay cạnh chúng ta cũng có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đó có thể là trẻ em hàng xóm, những em bé ở quê còn thiếu áo ấm, sách bút.
Nhiều đứa trẻ có những tủ quần áo lớn đầy ắp quần áo không sử dụng hết hoặc hàng đống đồ chơi không được ngó ngàng. Cha mẹ hãy cùng con trẻ sắp xếp quần áo ngăn nắp, thường xuyên soạn lại quần áo để có thể lấy những chiếc không dùng đến gửi tặng cho những bạn đang còn thiếu thốn quần áo khi mùa đông giá lạnh đến gần.
Nếu có điều kiện đi xa, bạn hãy cho con trải nghiệm hoạt động thiện nguyện ở một địa bàn khó khăn. Chuyến đi này sẽ giúp trẻ lưu giữ lâu điều cảm nhận và hình thành trong trẻ ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Chiến, chủ một xưởng gia công may mặc ở huyện Đan Phượng, Hà Nội, cho biết: Mỗi dịp cuối năm, gia đình tôi lại gói ghém cẩn thận những sản phẩm tốt về chất lượng nhưng không hợp thị hiếu khách hàng, thuê một chuyến xe và cho hai đứa con đi cùng lên một huyện vùng núi khó khăn để trao cho các bạn nhỏ địa phương.
Khi con tôi được tận tay trao quà cho các bạn đồng trang lứa và nhận được ánh mắt trân trọng, nụ cười ấm áp của người nhận, các cháu đã cảm nhận chân thực nhất cảm xúc về lòng vị tha” - anh Chiến chia sẻ.