Hướng tới giảm áp lực công việc cho người lao động

GD&TĐ - Qua khảo sát, người lao động (NLĐ) đề cập nhiều đến áp lực về cường độ, thời gian làm việc rất lớn, đặc biệt là các DN làm việc theo dây chuyền

Chủ động nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro để giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Ảnh minh họa
Chủ động nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro để giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Ảnh minh họa

Điều này khiến cơ quan quản lý đang hướng tới kêu gọi doanh nghiệp không tăng thời gian làm thêm quá quy định, bố trí cho lao động nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, đời sống cho NLĐ…

Những con số đáng lo ngại

Theo Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐ-TB&XH), số vụ tai nạn lao động, ca mắc bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng năm 2022 vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (tăng 1.214 vụ so với năm 2021), làm 7.923 người bị nạn, 754 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản năm 2022 ước tính là trên 14.100 tỷ đồng và hơn 143.000 ngày công.

Lý giải nguyên nhân số vụ tai nạn lao động năm 2022 tăng cao so với năm 2021, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động Hà Tất Thắng cho biết, sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 vào năm 2022, sản xuất phục hồi mạnh mẽ so với năm 2021 nên số tai nạn lao động cũng gia tăng, đặc biệt là sau thời gian ngừng trệ, một số doanh nghiệp đã không kịp thời bảo trì, bảo dưỡng, việc đào tạo, huấn luyện an toàn lao động bị mai một, dẫn tới tai nạn lao động. Thêm vào đó, sức khỏe của NLĐ hậu Covid-19 cũng bị ảnh hưởng.

Tuy số vụ tai nạn lao động tăng nhưng so với năm 2021, năm 2022 số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết đã giảm, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Số vụ tai nạn lao động chết người giảm 3,87% (720 vụ, giảm 29 vụ), giảm 4,07% số người chết (754 người chết, giảm 32 người).

Tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 13,14% (152 vụ, giảm 23 vụ), số người chết giảm 13,58% (159 người, giảm 25 người), số người bị thương nặng giảm 30,11% (181 người, giảm 78 người). Đây là năm thứ 4 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.

Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, năm 2022, các địa phương báo cáo có 22 vụ tai nạn lao động đề nghị khởi tố, 19 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra.

Về bệnh nghề nghiệp, năm 2022, 1.328 trường hợp bệnh nghề nghiệp đã được phát hiện, chiếm khoảng 0,3% số người được khám, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2022 tiếp tục ở mức thấp, 114 trường hợp, chiếm 8,6%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Làm việc an toàn, giảm căng thẳng

Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 (tháng 5) dự kiến được chính thức phát động vào ngày 26/4/2023 cùng với Tháng Công nhân. Chủ đề Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm nay là “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.

Trước thực trạng việc đào tạo, huấn luyện an toàn lao động bị mai một sau thời gian ngưng trệ sản xuất vì dịch Covid-19, theo Bộ LĐ-TB&XH, chủ đề Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động hằng năm thường xoay quanh về công tác phòng ngừa tai nạn lao động nhưng năm nay sẽ tập trung vào xây dựng quy trình, biện pháp an toàn và cải thiện điều kiện lao động.

Ông Hà Tất Thắng thông tin, quy định về khung pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động chung cho tất cả đã có đầy đủ. Tuy nhiên, mỗi một doanh nghiệp lại có hoạt động sản xuất, đặc thù khác nhau để căn cứ vào đó xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn sao cho phù hợp.

Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động đưa ra ví dụ, một doanh nghiệp đặc thù trong ngành xây dựng thường phải chú ý đến an toàn trong làm việc trên cao, làm việc trên giàn giáo, làm việc với thiết bị thi công xây dựng… Hay đơn vị làm việc trong hầm mỏ, hầm lò thì quy trình, biện pháp an toàn lao động phải xây dựng dựa trên đặc thù của làm việc trong môi trường thiếu khí và nhiều yếu tố vùng nước, cháy nổ khí mỏ…

Ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh, Cục An toàn vệ sinh lao động khuyến khích xây dựng những quy trình, biện pháp an toàn phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp, từng ngành nghề.

Ngoài ra, chủ đề cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc cũng được phát động trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm nay.

Cần đánh giá được các mối nguy cơ, rủi ro

Qua khảo sát, NLĐ đề cập nhiều đến áp lực về cường độ, thời gian làm việc rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc theo dây chuyền.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra khuyến nghị có hơn 200 bệnh hậu Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ. Vì thế, các hoạt động trong tháng hành động hướng tới kêu gọi doanh nghiệp không tăng thời gian làm thêm quá quy định, bố trí cho lao động nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe, đời sống cho NLĐ…

Tháng hành động được triển khai với mục tiêu thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, NLĐ và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động. Chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023.

Trong tháng hành động, trên toàn quốc sẽ diễn ra các hoạt động như: Đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động; thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động; tổ chức khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng hợp tin đăng ở trang tuyển dụng Vieclam24hTổng hợp tin đăng xin viec lam mới nhấtBí quyết download mẫu cv đẹp tư vấn du học