Hơn 2.300 công nhân PouYuen Việt Nam mất việc làm:

Người lao động được nhận những khoản tiền nào?

GD&TĐ - Trước tình hình hàng nghìn lao động tại doanh nghiệp PouYuen ở TPHCM bị cắt giảm, một số người lao động (NLĐ) đã có những thắc mắc...

Nhiều công nhân Công ty PouYuen Việt Nam sẽ không được tiếp tục ký hợp đồng. Ảnh minh họa
Nhiều công nhân Công ty PouYuen Việt Nam sẽ không được tiếp tục ký hợp đồng. Ảnh minh họa

Cụ thể, NLĐ đã có những thắc mắc về chế độ, chính sách khi bị cắt giảm, mất việc làm…

Được hỗ trợ kết nối cung cầu để có việc làm mới

Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, do khó khăn đơn hàng, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam mới đây chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân. Lao động bị cắt giảm được hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc, mức cao nhất nhận 379 triệu đồng, thấp nhất 12 triệu đồng. Tổng tiền trợ cấp thôi việc khoảng 275 tỷ đồng.

Lao động bị cắt giảm sẽ không đến công ty làm việc, nhưng vẫn được chi trả lương và các chế độ, bảo hiểm xã hội cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động. Một số quyền lợi khác như tiền phép năm, tiền trợ cấp thất nghiệp đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật. Sở LĐ-TB&XH TPHCM đánh giá việc chi trả hỗ trợ cho NLĐ trong đợt cắt giảm này ở Công ty PouYuen là cao hơn so với quy định.

Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin doanh nghiệp PouYuen có kế hoạch cắt giảm số lượng lớn, khoảng 6.000 lao động, các cơ quản quản lý liên quan đã vào cuộc, hướng đến đặt quyền lợi của NLĐ lên hàng đầu. Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp này tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bộ LĐ-TB&XH mới đây có công văn gửi UBND TPHCM đề nghị kịp thời có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như NLĐ, bộ này đề nghị kịp thời có những biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ.

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu chỉ đạo, đôn đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, kết nối cung, cầu lao động, giới thiệu việc làm đối với những NLĐ bị mất việc làm để họ sớm tìm được việc làm mới phù hợp. Yêu cầu kịp thời hướng dẫn, xử lý các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trong doanh nghiệp, để không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự xã hội.

Về công tác chuẩn bị hỗ trợ NLĐ khi không tái ký hợp đồng lao động, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết, đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức một tổ do một phó giám đốc trực tiếp phụ trách, ứng trực để xử lý các vấn đề tư vấn cho NLĐ khi doanh nghiệp cắt giảm lao động.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có thể nhận được 3 khoản trợ cấp

Theo Công ty Thư viện pháp luật, có 3 khoản trợ cấp mà NLĐ sẽ được nhận khi bị mất việc. Thứ nhất là trợ cấp mất việc làm (Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 quy định). Theo đó, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên (nếu NLĐ bị mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn kinh tế). Cứ mỗi năm làm việc, người sử dụng lao động trả cho NLĐ tối thiểu bằng hai tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của sáu tháng liền kề theo hợp đồng lao động, trước khi NLĐ mất việc làm.

Thứ hai là trợ cấp thôi việc (căn cứ Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động). Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương.

Thứ ba là trợ cấp thất nghiệp (căn cứ vào Khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013). NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật…

Ngoài 3 khoản trợ cấp nêu trên, lao động còn được hưởng lương những ngày làm việc chưa được thanh toán.

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động thì trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động, trong đó có tiền lương. Trong một số trường hợp đặc thù, thời hạn thanh toán khoản tiền này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Cần làm thủ tục gì để nhận tiền hỗ trợ?

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới ban hành quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, bị ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động, phải nghỉ việc không hưởng lương, bị chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp, hợp tác xã bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023.

Để nhận hỗ trợ, NLĐ cần có đơn đề nghị hỗ trợ; bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; quyết định thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; bản sao sổ bảo hiểm xã hội, hoặc xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp; bản sao các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp việc làm, sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động dẫn đến chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp NLĐ không là đoàn viên nhưng là nữ đang mang thai, đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi, hoặc chăm sóc thay thế trẻ chưa đủ 6 tuổi thì bổ sung thêm bản sao một trong các giấy tờ tương tự các trường hợp trên.

NLĐ gửi hồ sơ đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc công đoàn cấp tỉnh nơi cư trú. Trong 5 ngày, công đoàn nơi tiếp nhận gửi hồ sơ tới đến công đoàn cấp tỉnh.

Trong 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ của NLĐ, công đoàn cấp tỉnh thu thập các văn bản, tài liệu cần thiết liên quan đến đoàn viên, NLĐ, thẩm định và ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động chuyển kinh phí hỗ trợ tới đoàn viên, NLĐ trong 5 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt. Trường hợp không phê duyệt, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do với đoàn viên, NLĐ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ