Hướng tới bảo hiểm hưu trí đa tầng

Hướng tới bảo hiểm hưu trí đa tầng

(GD&TĐ) - Theo điều tra của  Bộ LĐTB&XH đối với gần 700 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tại Hà Nội và TP HCM, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát mong muốn và sẵn sàng tham gia quỹ hưu trí bổ sung cho người lao động. Tuy nhiên, hiện chưa có khung pháp lý cho chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung nên việc thực hiện trên diện rộng là chưa thực hiện được.

Giảm áp lực cho ngân sách

z
Nếu có quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung, người nghỉ hưu sẽ bớt khó khăn trong cuộc sống

Hiện nay, hệ thống bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam đang là hệ thống đơn tầng với sự hiện hữu của chính sách bảo hiểm hưu trí do nhà nước tổ chức, quản lý và vận hành. Quỹ bảo hiểm hưu trí được hình thành theo chính sách hiện hành đang đối mặt với những khó khăn về việc tăng số chi trả, giảm số dư tồn quỹ và có khả năng hết quỹ nếu không có các thay đổi trong chính sách. 

Nghiên cứu hệ thống an sinh xã hội của các nước phát triển và các nước lân cận trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông... cho thấy việc áp dụng hệ thống an sinh xã hội đa tầng mang lại các lợi ích cụ thể cho nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là một trong các chính sách an sinh xã hội của hệ thống đa tầng và đã được chứng minh về sự phù hợp và thành công tại nhiều nước ở nhiều mức độ phát triển kinh tế khác nhau. 

Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), hiện Việt Nam đang có khoảng 10,6 triệu người tham gia bảo hiểm hưu trí bắt buộc. Vì lương hưu thấp cùng với sự bảo hộ của Nhà nước, nên lương hưu hiện nay đang gắn rất chặt với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Việc tăng lương hưu cùng mức với tăng lương tối thiểu chung đã tạo áp lực rất lớn cho ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Chính áp lực này đã khiến cho quá trình cải cách tiền lương để nâng cao đời sống cho người lao động gặp rất nhiều khó khăn… 

Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam cần thực hiện ngay bảo hiểm hưu trí bổ sung vì sau thời kỳ dân số vàng sẽ là thời kỳ dân số già, quá trình già hóa sẽ diễn ra rất nhanh. Sang giai đoạn này, nếu có bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ góp phần giảm áp lực cho chi tiêu của ngân sách quốc gia, từ việc điều chỉnh tăng lương hưu hàng năm.

Hình thành Quỹ hưu trí bổ sung

Các nghiên cứu mới đây của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy nhu cầu triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là hiện hữu và hiện đã có một số doanh nghiệp tự thực hiện theo mô hình của công ty mẹ tại các nước…

Ông Trần Thành Tân, Tổng giám đốc VFM cho rằng, nhu cầu của khách hàng về triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó hầu hết là các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Metro Cash &Carry Vietnam, Petro Vietnam, Ajinomoto… đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện được.

Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ sẽ đóng góp lớn làm gia tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu và nguồn tiền đầu tư chung của xã hội, trên cơ sở đó sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra việc làm mới góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: Với mục tiêu nghiên cứu xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng đồng thời đáp ứng mục tiêu gia tăng quyền lợi hưu trí cho người lao động khi về hưu cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Bộ LĐ, TB&XH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề án triển khai thực hiện thí điểm chính sách Bảo hiểm hưu trí bổ sung. 

Đây là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho hưu trí cơ bản mang tính chất bắt buộc, các khoản đóng góp của người lao động và doanh nghiệp sẽ hình thành Quỹ hưu trí bổ sung do các tổ chức có chức năng quản lý, giám sát.

Tài sản và quyền lợi hình thành từ đóng góp của người lao động sẽ được quản lý theo hình thức tài khoản cá nhân, được đầu tư và tích lũy dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật. Để tạo điều kiện cho việc triển khai chính sách này, Nhà nước sẽ có các ưu đãi thuế ở mức phù hợp và ban hành các hướng dẫn cần thiết cho việc triển khai.

Ông Huân cũng cho biết thêm, Bộ LĐ,TB&XH sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và DN để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. “Nếu được thông qua, chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ được triển khai thí điểm từ tháng 1/2014”.

Anh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.