Chị mừng vui nhắn: “Những chùm nhãn xinh xinh đã vào nước, chị muốn gửi làm quà tới em”. Rồi thật thà băn khoăn: “Chỉ e là loại nhãn thóc này quê kiểng, không bắt mắt vì quả nhỏ, ít cùi khiến nhiều người ngại ngần không muốn thưởng thức. Nhưng kỳ thực giống nhãn thuần Việt này đượm hương nhãn nhất. Vị ngọt cũng thanh hơn đấy em!”.
Rồi ngay hôm sau, chị gửi tới cả thùng xốp giữa ngày nóng bừng bừng. Chị đã cắt từng quả, lót thùng cẩn thận, vậy mà vẫn hồi hộp nhắn: “Em ơi, trời hôm nay nóng quá, chị lo nhãn gửi để trong hộp kín không biết có sao không. Thôi thì, dù ngon hay chưa được như ý cũng mong em đón nhận chút tình quê”.
Chưa cần thưởng thức mà chỉ cần đọc những dòng tin nhắn ấy cũng đủ để nó thấy những quả nhãn nhỏ xíu vượt đường xa hơn trăm cây số đến đây sao mà ngọt ngào đến thế.
Và đúng như lời chị, từng quả, từng quả cứ thoảng hương làm nó nhân thêm nỗi nhớ về con ngõ nhỏ nơi quê nhà cũng có bóng cây nhãn thóc tỏa mát, đơm hoa, kết quả mỗi Hè.
Ngày đó, khi nó sang tuổi 15, bố trồng thế cây nhãn nhỏ vào gốc cây chay cổ thụ vừa bị bão quật đổ. Bởi vẫn luyến tiếc cây chay mà nó ít khi để ý đến nơi đó. Mãi khi nghỉ Hè năm thứ nhất đại học, thấy bố mang về chùm nhãn nó mới giật mình ra ngắm cây nhãn năm nào giờ đã cao lớn, bói quả.
Rồi đều đặn mỗi Hè, nó được thưởng thức những quả nhãn thóc bé xinh ấy, có khi về quê đúng dịp cũng có khi bố gửi xe lên thành phố. Nó thuộc và nhớ hương vị ấy đến nỗi giờ đây dửng dưng với các loại nhãn khác dù chúng có hình thức bên ngoài bóng bẩy, căng tròn.
“Chị ơi, những quả nhãn vẫn tươi ngon. Là nhãn ta nên rất thơm hương. Hương này em vẫn mê đó chị!”. Nó mỉm cười gửi tới chị phương xa!