Hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh lớp 9

GD&TĐ - Hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 là rất quan trọng giúp các em có lựa chọn phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS, thực hiện mục tiêu phân luồng.

Giờ học tại Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình).
Giờ học tại Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình).

Còn có khó khăn

Theo thầy Nguyễn Ngọc Thanh Nguyên, Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Hóa, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre, với chỉ tiêu vào lớp 10 công lập hằng năm của cả thành phố dao động trên dưới 70%, số còn lại tham gia học tại trung tâm giáo dục thường xuyên hay các trường trung cấp nghề, việc tư vấn cho học sinh chọn trường thi lớp 10 gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, học sinh có tư tưởng đăng ký thi tuyển theo nhóm bạn thân, chưa xác định đúng năng lực của bản thân; chọn đăng ký thi vào trường gần nhà; xác định không đúng các nguyện vọng đăng ký vào trường phù hợp với năng lực.

Một số học sinh giỏi có tâm lý lo sợ, không tự tin đăng ký vào trường điểm; ngược lại một số phụ huynh chưa nắm rõ năng lực của con em mình đối với các môn thi tuyển mà chỉ căn cứ vào nhận xét, đánh giá chung về học lực nên có tư tưởng muốn con được vào trường điểm, đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo áp lực cho học sinh.

Nhiều trường hợp, phụ huynh nhận thấy con em không có khả năng học tiếp nên không đăng ký thi tuyển, không vào trung tâm giáo dục thường xuyên hay các trường trung cấp nghề mà chọn phương án học nghề tự do để sớm có thu nhập.

Tại Trường THCS An Hiệp (Châu Thành, Bến Tre), ngay từ đầu năm học lớp 9, nhà trường tuyên truyền tới phụ huynh về việc tạo điều kiện để học sinh khối 9 được dự thi tuyển sinh vào lớp 10. Trường đồng thời thực hiện các lần vận động tới những học sinh chưa biết thi hay không, hoặc phụ huynh dự kiến không cho con tham gia thi lớp 10.

“Năm học 2022-2023, toàn trường có 4/151 học sinh không tham gia thi vào lớp 10. Năm học này, trường cũng còn 4/129 học sinh còn lưỡng lự, dự kiến không đăng ký thi tuyển sinh lớp 10.

Chúng tôi động viên học sinh thi tuyển sinh lớp 10 trước. Sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10 mới đến thực hiện công tác tư vấn phân luồng cho các em”, cô Nguyễn Thị Trúc Dạ, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Nói về khó khăn, lãnh đạo Trường THCS An Hiệp nhắc đến việc có những phụ huynh lựa chọn cho con đi học nghề từ đầu, với lý do là con học chưa tốt, khó thi đỗ vào lớp 10. Với trường hợp này, nhà trường tư vấn rất kỹ: Bước 1, giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho học sinh; bước 2 giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường cùng chia sẻ với học sinh; bước 3, giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo trường trao đổi cùng học sinh và phụ huynh học sinh.

Cũng có trường hợp học sinh học lực khá, ngoan, nhưng cũng xác định học nghề từ đầu vì hoàn cảnh khó khăn, muốn đi làm sớm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, nan giải nhất là trường hợp phụ huynh không cho con em thi vào lớp 10, cũng không học nghề để lao động sớm.

Giờ học tại Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội).

Giờ học tại Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội).

Đa dạng hình thức hướng nghiệp

Nhận thấy vai trò quan trọng của công tác phân luồng, cô Nguyễn Thị Trúc Dạ cho biết, nhà trường quan tâm thực hiện công tác ngay từ đầu năm học lớp 8, 9, giúp học sinh có thêm hiểu biết về định hướng nghề nghiệp, sự phấn đấu cho năm học cuối cấp.

Hình thức hướng nghiệp được triển khai đa dạng, trong đó có lồng ghép trong các tiết sinh hoạt dưới cờ của khối 9. Các tiết tư vấn hướng nghiệp, lãnh đạo nhà trường, giáo viên thường xuyên trò chuyện cùng học sinh khối 9, động viên các em cố gắng học, quyết tâm để thi lớp 10…

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác hướng nghiệp, thầy Huỳnh Tấn Hoàng, hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (Châu Thành, Bến Tre) cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường tuyên truyền, định hướng cho học sinh lớp 9 chuẩn bị các điều kiện để thi tuyển sinh vào lớp 10 thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp. Đồng thời, định hướng cho học sinh chọn nguyện vọng các trường THPT, chọn tổ hợp phù hợp để học ở THPT.

Nhà trường cũng thông tin đến phụ huynh học sinh lớp 9 thông qua các buổi họp phụ huynh về định hướng công tác tuyển sinh lớp 10, định hướng nghề nghiệp cho học sinh để có định hướng cho con em mình.

Hoạt động này thực hiện sớm, “mưa dầm thấm lâu”, thường xuyên trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, các buổi ngoại khóa. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên trao đổi với học sinh lớp mình về công tác này, thăm dò và nắm bắt tâm tư học sinh để có các giải pháp cụ thể giúp đỡ các em.

Đối với các học sinh học lực yếu, thầy cô mời riêng cùng trao đổi, phân tích, định hướng phù hợp; tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn là học sinh và gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ