Hướng nghiệp cho con: Những sai lầm của cha mẹ

GD&TĐ - Theo nghiên cứu của Hiệp hội “Chuyên gia trẻ (WorldSkills - Nga)”, hơn 70% học sinh phổ thông không biết mình muốn làm nghề gì.

Ngay từ bé, nhiều phụ huynh muốn con mình trở thành nghệ sĩ dương cầm vĩ đại.
Ngay từ bé, nhiều phụ huynh muốn con mình trở thành nghệ sĩ dương cầm vĩ đại.

Nghiên cứu này cũng giải đáp về việc làm thế nào xác định tố chất của một học sinh và điều gì quan trọng hơn - tài năng hay sự ham mê - từ đó giúp các bậc cha mẹ định hướng nghề nghiệp cho con mình ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Thế nào là “năng lực bẩm sinh”

Hiện nay có nhiều định nghĩa về “tài năng”. Theo đại từ điển Tâm lý học của Boris Meshcheryakov và Vladimir Zinchenko (Nga), “tài năng” hoàn toàn không được coi là một khái niệm khoa học, mà là một khái niệm thông thường, vì không có phương pháp chẩn đoán nào cho nó. Tài năng cũng tương quan với khái niệm “năng khiếu” và được định nghĩa là trình độ phát triển cao của năng lực.

Bác sĩ kiêm nhà sinh học thần kinh người Hà Lan Dick Swaab cho rằng, tài năng được cài đặt trong não (trên thực tế, nó phụ thuộc vào cấu trúc của não). Trong cuốn sách của mình, ông đã đưa ra ví dụ về những nghệ sĩ chơi vĩ cầm có phần não điều khiển các ngón tay của bàn tay trái lớn hơn.

Nói chung, tài năng được hiểu ngầm là năng lực của một người trong một công việc cụ thể. Chẳng hạn, anh ta vẽ rất đẹp, nhưng lại không am hiểu lý thuyết hội họa; hoặc anh ta học ngoại ngữ nhanh hơn gấp ba lần so với các bạn đồng niên của mình.

Tuy nhiên, tài năng chỉ là một tố chất, nếu không được phát triển thích đáng thì không thúc đẩy việc tiếp thu bất kỳ ngành nghề nào. Theo nghiên cứu trên, trong số các yếu tố thành công, tài năng chỉ chiếm từ 5% - 10%, phần còn lại phụ thuộc vào sự kiên trì và chăm chỉ.

Để chứng minh điều đó, nhà báo Canada Malcolm Gladwell đưa ra “quy tắc 10.000 giờ”, nghĩa là, để đạt được trình độ chuyên môn trong bất kỳ công việc nào, bạn cần dành 10.000 giờ cho nó.

Quy tắc này xuất phát từ một nghiên cứu năm 1993 về sự phát triển tài năng của các nghệ sĩ vĩ cầm và dương cầm. Các tác giả phủ nhận ý nghĩa của tài năng và chỉ ra rằng thành tích của các nhạc công chủ yếu phụ thuộc vào thời gian luyện tập của họ. Đại lượng 10.000 giờ mang tính ước lệ, nhưng bản thân ý tưởng này là chính xác: Sự say mê một lĩnh vực cụ thể nào đó đôi khi quan trọng hơn là năng lực đối với nó.

Hơn 70% học sinh Nga không biết mình muốn làm nghề gì.

Hơn 70% học sinh Nga không biết mình muốn làm nghề gì.

Những sai lầm trong lựa chọn nghề nghiệp

Một trong những sai lầm chính và phổ biến là cha mẹ thường phóng chiếu những mong muốn và ước mơ hồi trẻ của mình lên con cái. Ví dụ, người mẹ muốn trở thành vận động viên bơi lội, nhưng không thành.

Và bây giờ một cách vô thức hoặc có ý thức, người mẹ muốn hướng con trai thành vận động viên bơi lội. Thật tốt, nếu con trai cũng đam mê bơi lội và sẵn sàng làm điều đó. Nhưng đôi khi đứa trẻ không thích hoặc hoàn toàn không có khả năng nào cả.

Ở tuổi vị thành niên, nhiều khi cha mẹ quyết định cho con trai mình trở thành nhà vật lý mà không hỏi con muốn gì. Có thể, con bạn thậm chí sẽ học xong 4 năm theo quy định, nhận bằng tốt nghiệp đại học, nhưng kết quả là, nó sẽ không làm đúng chuyên ngành hoặc làm đúng chuyên ngành nhưng không được lâu.

Sự bất cập giữa kỳ vọng của bố mẹ và nghề nghiệp tương lai của con cái được thể hiện trong các cuộc thăm dò dư luận. Ví dụ, theo khảo sát của Tập đoàn Romir năm 2019, có 24% người Nga muốn con trở thành bác sĩ và 18% là luật sư. Trong khi đó, chỉ có 12% học sinh muốn theo học ngành y và 6% theo ngành luật.

Sai lầm thứ hai là cha mẹ tìm mọi cách đào tạo con thành bác sĩ phẫu thuật từ khi 5 tuổi. Thế giới thay đổi chóng mặt và đôi khi bất ngờ, như đại dịch Covid-19 đã chứng minh. Không ai biết xã hội cần gì sau 12 - 13 năm, khi một học sinh tốt nghiệp trường phổ thông, chưa nói là sau 16 - 17 năm, khi anh ta tốt nghiệp đại học.

Phát triển những năng lực và kỹ năng nhất định của một đứa trẻ từ nhỏ là có thể và cần thiết, nhưng đoán trước hướng đi tương lai cho một học sinh hôm nay đang học mẫu giáo hay tiểu học là hoàn toàn vô nghĩa.

Còn một lý do khác khiến bạn không nên tích cực hướng nghiệp cho trẻ 6 - 7 tuổi vì đó là nguy cơ tước đi tuổi thơ của các con. Các bậc cha mẹ đang tìm cách nuôi dạy con thành nghệ sĩ dương cầm tương lai hoặc Bill Gates thứ hai từ trong nôi. Họ đã bắt con phải học tập hàng ngày, tham gia các câu lạc bộ, các nhóm theo sở thích hoặc thậm chí tìm cách phát triển tất cả các kỹ năng song song cùng một lúc.

Ví dụ, ngoài khúc côn cầu, họ bắt con chơi bóng rổ - như thể nếu một môn thể thao không thành công, thì có thể chơi môn thứ hai. Đứa trẻ bị quá tải, không có thời gian để đi chơi với bạn bè, đi xem phim và làm những “việc của trẻ em” đúng nghĩa khác.

Một số gợi ý về hướng nghiệp

Ngày nay, việc đào tạo và đào tạo lại đang trở thành một quá trình liên tục. Điều này có nghĩa là ý tưởng “làm việc ở công ty X trên vị trí Y cho đến khi nghỉ hưu” sẽ không còn phù hợp nữa. Một người có thể thay đổi một số nghề, thậm chí không liên quan đến nhau, và sẽ cần phải học thêm các kỹ năng mới cho mỗi nghề. Vì vậy, vấn đề hướng nghiệp sẽ lặp đi lặp lại - không chỉ ở năm cuối cấp THPT để xác định danh sách các môn thi và các trường đại học để vào học.

Theo đó, thay vì thực hiện một lần, hướng nghiệp sẽ trở thành một phần trong chương trình học tập của học sinh. Ví dụ: Dưới dạng các môn học liên quan đặc biệt với một chuyên ngành cụ thể hoặc dưới dạng các chuyến tham quan các công ty, phòng thí nghiệm khác nhau. Ở đó, dưới hình thức tham quan hoặc thậm chí thực tập, học sinh có thể đi sâu vào hoạt động mà các em quan tâm, tìm hiểu các đặc điểm và khó khăn của nghề nghiệp đó.

Đồng thời, số lượng các phương pháp hướng nghiệp có tính chuyên môn hẹp có thể tăng lên, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật số, các bậc cha mẹ sẽ ngày càng muốn con mình đi theo lĩnh vực công nghệ. Nhưng ngày nay, công nghệ thông tin không còn là nghề “lập trình viên” hay “kỹ sư tin học” thông thường, mà là hàng loạt lĩnh vực hẹp hơn. Và các phương pháp hướng nghiệp sẽ phải xác định một người cụ thể (trẻ em hay người lớn) muốn làm công việc gì.

Còn một vấn đề không kém phần quan trọng - cần nói không với các dịch vụ hướng nghiệp khác nhau. Thế giới đang thay đổi như vũ bão, việc xây dựng một danh mục đầy đủ các chuyên ngành là không thực tế và vô nghĩa. Những gì thiết thực hôm nay có thể hoàn toàn biến mất sau một vài năm. Các nghề kết hợp đang xuất hiện, ví dụ: Nhà báo dữ liệu, vừa viết bài vừa xử lý dữ liệu. Do đó, việc giới thiệu không phải những chuyên ngành cụ thể như “kỹ sư tin học”, “bác sĩ thú y”, mà là các lĩnh vực hoạt động, ví dụ như “bảo trợ xã hội”, sẽ trở nên thiết thực hơn.

Theo https://trends.rbc.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ