Hướng đi nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?

GD&TĐ - Mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã và đang là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhưng hiện nay, ngành CNHT vẫn còn rất thiếu và yếu. 

Hướng đi nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?

Thực tế này đang đòi hỏi Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ CNHT, nếu không muốn chỉ là một “công xưởng” gia công, lắp ráp đơn thuần cho thế giới...

Nhiều hạn chế

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay mới chỉ có 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT - chiếm khoảng 0,3% doanh nghiệp trên cả nước. Phần nhiều trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh yếu, tham gia chuỗi cung ứng ở mức rất thấp; giá trị gia tăng không nhiều do chủ yếu là gia công, lắp ráp, khó đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đúng tiến độ và chi phí hợp lý theo yêu cầu của các đơn đặt hàng.

Năm nay, dù số lượng các nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung tăng gấp 3 lần so với năm 2015, lên con số 190 đối tác nhưng chỉ có duy nhất 3 đơn vị cung cấp thiết bị điện tử và lại là nhà cung ứng cấp 2. Những nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của hãng vẫn chủ yếu là sản xuất bao bì, đóng gói cho các dòng điện thoại hay máy tính bảng.

Theo đại diện Samsung, bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng các điều kiện của hãng về chất lượng, giao hàng, giá cả... đều có cơ hội trở thành nhà cung ứng của Samsung. Các doanh nghiệp Việt Nam thực sự có tiềm năng và năng lực, nhưng về phương pháp thì còn yếu.

Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp nào cũng được “chọn mặt gửi vàng”. Theo Samsung, để trở thành nhà cung ứng cho Samsung, doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về công nghệ, chất lượng, trách nhiệm, cũng như khả năng tài chính, đưa ra mức giá cạnh tranh nhất... Đồng thời, số doanh nghiệp này cũng phải trải qua thời gian thử thách, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm dưới sự hỗ trợ trực tiếp, giám sát của chuyên gia Samsung trong thời gian 3 tháng.

Cơ hội và thách thức

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, để khuyến khích ngành CNHT phát triển Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển CNHT, gần đây nhất là Nghị định 111/2015 có hiệu lực từ 1/1/2016 và các Thông tư 01/2016/TT-NHNN, Thông tư 21/2016/TT-BTC... đang mở ra rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào CNHT. Từ đó, doanh nghiệp Việt sẽ nắm bắt được cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Bản thân Samsung - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cũng đang nỗ lực để liên kết các doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu của mình. Hiện nay, 63 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chuỗi cung ứng của Samsung. Con số này đã phần nào thể hiện năng lực của các doanh nghiệp Việt ngày càng tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển CNHT, tập trung kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp CNHT cần nghiên cứu kỹ thị trường và chuỗi cung ứng ngành nghề. Đồng thời chủ động liên kết, hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp FDI để nâng cao sức cạnh tranh và tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng. Kinh nghiệm từ Thái Lan, Hàn Quốc đều cho thấy, các doanh nghiệp CNHT, nhất là trong lĩnh vực điện tử và ô tô chỉ thực sự phát triển và có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng khi liên doanh, liên kết được với doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, để có được đơn đặt hàng sản xuất linh phụ kiện từ Toyota, các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh rất mạnh với các doanh nghiệp Thái Lan khi họ đã có kinh nghiệm từ hàng chục năm qua. Linh kiện các ngành ô tô, điện tử... đang có xu hướng từ Thái Lan và một số nước trong ASEAN tràn mạnh vào Việt Nam. Do đó, phát triển CNHT cần sự nỗ lực của nhiều phía, không chỉ các ban ngành mà ngay doanh nghiệp cũng phải chủ động tiếp cận thị trường, tìm hiểu công nghệ thích hợp, nâng cao tay nghề, tìm kiếm đối tác.

Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành CNHT phát triển trong thời gian tới các bộ, ngành liên quan cần rà soát kỹ lại các doanh nghiệp, từ đó, ưu tiên bố trí vốn kèm theo các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vay, thủ tục… thì mới có thể đưa ngành CNHT đi lên. Mặt khác, cần nâng cao tay nghề lực lượng lao động và tạo điều kiện hết mức cho các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển ngành CNHT, nhằm nâng cao sản phẩm nội địa hóa lẫn giá trị gia tăng từng sản phẩm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.