Hướng dẫn đề Văn về tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

GD&TĐ - Đề bài: Nói về cảnh ông Huấn Cao cho chữ viên quản ngục (trong Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân), có người cho rằng: đây là “sự nổi loạn của cái đẹp”; một người khác lại nhận định: đó là “sự tỏa sáng của những tấm lòng”. Ý kiến của anh/chị như thế nào?

Hướng dẫn đề Văn về tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Hướng dẫn:

a. Đặt vấn đề:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm ; cảnh cho chữ ; hai nhận định về cảnh cho chữ.

b. Giải quyết vấn đề:

- Phân tích khái quát tình huống truyện dẫn đến cảnh cho chữ.

- Phân tích khái quát cảnh cho chữ :

+ Lí giải “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”

+ Giá trị nội dung, tư tưởng của cảnh cho chữ

+ Giá trị nghệ thuật của cảnh cho chữ

- Nêu các ý kiến về cảnh cho chữ. Nhất trí cách đánh giá như trên. Phân tích làm rõ từng ý kiến đã nêu :

* Về ý kiến đây là “sự nổi loạn của cái đẹp” :

+ Đây là một ý kiến đúng.

+ Cái đẹp (theo quan niệm của Nguyễn Tuân) là sự kết hợp hài hòa : Tài – Tâm – Khí phách. Điều này tập trung ở hình tượng Huấn Cao : vừa là đấng tài hoa, vừa là một trang hào kiệt, cùng với một tấm lòng thuần khiết nằm ngay trong cái vẻ kiêu bạc, gai góc.

+ Cái đẹp đã nổi loạn trong cảnh ông Huấn Cao cho chữ viên quản ngục để làm nên một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

+ Việc cho chữ - hoạt động sáng tạo cái đẹp - vốn chỉ diễn ra ở nơi tao nhã, thư phòng, nay được diễn ra giữa nhà tù, nơi ngự trị của bóng tối, cái ác, những thứ thù địch với cái đẹp.

+ Bút pháp lãng mạn được phát huy tột độ : sự tương phản gay gắt ; bóng tối và cái ác làm nền cho sự xuất hiện của “một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, “tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”, “phiến lụa óng” ; trên tấm lụa ấy – điểm sáng nhất của vùng sáng ấy - là từng nét chữ đang tượng hình, từng con chữ đang ra đời, cái đẹp đang được khai sinh…

+ Một cuộc đảo lộn ghê gớm đang diễn ra trong vị thế của các nhân vật ; ranh giới tội phạm và cai tù đã bị xóa bỏ, chỉ còn là những tri kỉ đang quy tụ, quây quần xung quanh cái đẹp của tình người và nghệ thuật ; mọi thứ nơi đây đã bị đảo lộn, tác giả của sự đảo lộn này chính là cái đẹp : tất cả mọi người đang sống đẹp, hành động theo tiếng gọi thiêng liêng của cái đẹp.

+ Sự nổi loạn của cái đẹp đã cứu được quản ngục – “cái đẹp sẽ cứu vớt con người” (1).

* Về ý kiến đó là “sự tỏa sáng của những tấm lòng” :

+ Đây cũng là một ý kiến đúng, sâu sắc.

+ Huấn Cao cho chữ không phải là thanh toán nợ nần với quản ngục, cũng không phải vì sắp bị tử hình mà đem những tài sản cuối cùng cho người ở lại, cũng không phải cơ hội cuối cùng để phô diễn tài hoa. Đây là việc làm của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ. Ở đây, cái tâm đang điều khiển cái tài, cái tài đang phụng sự cái tâm. Nói đúng hơn là cái tài cái tâm đang hòa vào nhau để tạo nên cái đẹp.

+ Thái độ khúm núm của viên quản ngục, run run của thày thơ lại trước tư thế đường hoàng, đĩnh đạc của Huấn Cao đã làm hiện lên “cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của họ. Ngục quan nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào : “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Điều đó chứng minh thêm “tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà ở đó nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.

- Ý kiến phản biện của bản thân (bổ sung lời bình) :

+ Hai ý kiến trên đều đúng và không đối lập nhau. Chúng là hai khía cạnh của một vấn đề. Chúng bổ sung, soi sáng nhau : nhờ có những tấm lòng tỏa sáng mà cái đẹp mới nổi loạn được ; ngược lại, cái đẹp nổi loạn đã làm tỏa sáng những tấm lòng. Nói cách khác, cái đẹp nằm ngay trong những tấm lòng, những tấm lòng là cái đẹp của cuộc hạnh ngộ.

+ Người ta cũng nhìn thấy cái đẹp và những tấm lòng ấy ở ngay trong con người Nguyễn Tuân – một trí thức yêu nước.

- Tiểu kết về cảnh cho chữ

c. Kết thúc vấn đề

Có thể nói, cảnh cho chữ trong tác phẩm này là một thành công đặc biệt của Nguyên Tuân. Nó cho thấy, nhà văn đã dồn hết bút lực của mình để ghi một dấu ấn vào văn học lãng mạn Việt Nam, giai đoạn 1930-1945. Trong cảnh cho chữ này, “sự tỏa sáng của những tấm lòng” đã làm nên “sự nổi loạn của cái đẹp” – một sự nổi loạn cao đẹp!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UKA Bà Rịa nâng cấp dịch vụ School Bus

UKA Bà Rịa nâng cấp dịch vụ School Bus

GD&TĐ - Dịch vụ School Bus tại UKA Bà Rịa được nâng cấp toàn diện với xe đời mới, ứng dụng theo dõi hành trình, hệ thống chuông giám sát cảnh báo an toàn.