Huổi Min từ không đến có

GD&TĐ - Đã gần 14 năm trôi qua, kể từ ngày Huổi Min chính thức được công nhận là bản thuộc Phường Sông Đà, thị xã Mường Lay (Điện Biên).

Giờ đây, trẻ em ở Huổi Min đã có trường lớp khang trang để theo đuổi con chữ.
Giờ đây, trẻ em ở Huổi Min đã có trường lớp khang trang để theo đuổi con chữ.

Cái thời “không đường, không điện, không trường, trạm”, cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài, quẩn quanh với đói nghèo giờ chỉ còn là ký ức.

“Ghi danh” lịch sử

Trong ngôi nhà lợp ngói khang trang, nền lát gạch hoa bóng loáng của trưởng bản Lầu A Sò, câu chuyện đầy thú vị về lịch sử hình thành của Huổi Min như thước phim quay ngược bên những chén nước chè tỏa khói. Ông Sò được cha kể lại, trước đây họ là một nhóm hộ thuộc xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Sau khi tự tách ra, họ chuyển về sinh sống tại một sườn núi cách nơi ở hiện tại khoảng 5km.

Người dân Huổi Min sống gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Ngày qua ngày lên nương hái rau, xuống sông bắt cá làm thức ăn duy trì cuộc sống. Họa hoằn lắm mới có một vài người đàn ông trong bản đi bộ xuôi núi, mang theo cá bắt được dưới sông ra chợ Sông Đà để bán.

“Từ lúc hình thành, cho đến tận khi tỉnh Lai Châu cũ được chia tách thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu (năm 2004), những hộ dân ở Huổi Min chưa từng có tên trong danh sách quản lý hành chính của bất cứ xã, phường nào. Bởi vậy, nhiều người sinh ra đều không có bất cứ thứ giấy tờ tùy thân nào (chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh)” – ông Sò bộc bạch.

Lần đầu tiên sự tồn tại của người dân Huổi Min được biết đến là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội năm 2006. Với mong muốn nhận được sự quan tâm, 20 người dân đã dành nửa ngày đi bộ xuống phường Sông Đà, xin được bỏ phiếu.

“Lúc bấy giờ người dân Huổi Min mới được ghi danh. Hai năm sau đó, 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu mới thống nhất và ban hành quyết định thành lập bản Huổi Min, thuộc phường Sông Đà, thị xã Mường Lay (Điện Biên). Khi ấy, bản chỉ vỏn vẹn 10 hộ dân, với 61 nhân khẩu” – ông Vũ Tiến Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Sông Đà cho hay.

Trưởng bản Lầu A Sò (ngoài cùng bên phải) giới thiệu mô hình trồng vú sữa, mít Thái được triển khai tại bản.
Trưởng bản Lầu A Sò (ngoài cùng bên phải) giới thiệu mô hình trồng vú sữa, mít Thái được triển khai tại bản. 

“Biến” không…

Ông Vũ Tiến Hưng khi ấy đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch UBND phường. Hồi tưởng lại những ngày mới thành lập bản, ông Hưng chia sẻ: Để thuận lợi cho người dân, cũng như công tác quản lý, thị xã đã thống nhất di dời các hộ này về địa điểm mới cách nơi ở cũ khoảng 5km.

Vì địa điểm mới chưa có đường, không thể đưa máy móc lên san ủi, nên tất cả mọi công đoạn đều được thực hiện thủ công. Suốt một tuần ròng rã, hơn 100 người gồm cán bộ, lực lượng vũ trang, dân quân và cả nhân dân phường Sông Đà thay phiên nhau dùng cuốc, xẻng, xà beng, dao để đào từng gốc cây, cuốc từng vạt đồi. Mặt bằng rộng chừng 1ha được san gạt, thoáng đãng, sẵn sàng đón các hộ dân chuyển về dựng nhà, an cư.

“An cư rồi thì phải tính đến chuyện lập nghiệp. Mà đây là việc khó khăn nhất ở Huổi Min, vì bà con trước nay chỉ quen phát rừng làm nương, chưa biết trồng lúa nước. Sau khi đốt nương, dọn rẫy, bà con chọc lỗ gieo từng hạt lúa, rồi “ngửa mặt” chờ nước mưa” – ông Sò tâm sự.

Đầu mùa mưa gieo hạt, cuối mùa thu hoạch. Cây lúa mọc lên hoang dại, thiếu sự chăm sóc, nên bị chim, chuột cắn phá thường xuyên, kém phát triển. Năm nào thời tiết không thuận lợi, gần như chẳng thu được gì.

Ngày mới chuyển về nơi ở mới, cả bản chỉ có duy nhất 1 người biết nói tiếng phổ thông. Không biết chữ, không nghe hiểu khiến việc tuyên truyền pháp luật, tiếp cận với các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con cũng hạn chế theo.

Sau khi chuyển về nơi ở mới, ông Sò vận động vài ba hộ đầu tiên đi đầu học hỏi khai hoang ruộng nước với diện tích nhỏ. Dù thấy lúa nước cho năng suất cao, song vì không có nguồn nước đảm bảo nên thời gian đầu người dân vẫn chủ yếu canh tác trên nương. “Cuộc cách mạng” lúa nước ở Huổi Min chỉ thực sự diễn ra từ đầu năm 2017, khi UBND thị xã quy hoạch bãi tưới hưởng lợi từ công trình Thủy lợi Pa Cô (dẫn nước qua gần bản).

Ông Sò cho biết: 16/16 hộ dân Huổi Min đều được chia mỗi khẩu hơn 360m2 đất để khai hoang ruộng bậc thang, gieo trồng lúa nước. Từ chỗ chỉ có vài trăm mét vuông ruộng, đến nay cả bản đã có khoảng 8ha ruộng nước trồng 2 vụ.

Sau khi có ruộng, bà con được hỗ trợ hạt giống. Cán bộ phường về tận bản “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cách gieo trồng lúa nước. Vụ đầu tiên còn bỡ ngỡ, nhưng từ vụ sau bà con đã dần quen việc, nắm được quy trình xử lý đất, cũng như các kỹ thuật chăm sóc, phòng, tránh không để chim, chuột cắn phá.

…thành có!

Anh Lầu A Dế là một trong những hộ tiên phong đi đầu và đến nay cũng sở hữu diện tích lúa nước nhiều nhất bản (gần 7.000m2). Anh Dế tâm sự: “Kỹ thuật trồng lúa nước phức tạp hơn lúa nương, nhưng thu hoạch lại được rất nhiều thóc, năng suất trung bình khoảng 40 tạ/ha. Vì thế, nên dân bản phấn khởi lắm. Làm vài vụ quen rồi, ai cũng muốn trồng lúa nước”.

Song song với đó, theo ông Hưng, việc dạy tiếng phổ thông cho người dân trong bản được thị xã coi là một trong những nhiệm vụ cấp thiết lúc bấy giờ. Một lớp học bằng tre, nứa đầu tiên được dựng lên ngay giữa bản. Thời gian đầu, hầu hết người dân còn e dè, ngại đến lớp học, cán bộ phường cùng giáo viên được phân công giảng dạy phải đến từng nhà, kiên trì vận động từng người dân ra lớp. Sau hơn 3 năm, đa số người dân trong bản đã có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng phổ thông.

Rồi liên tiếp những năm gần đây (2018 – 2020), với sự quan tâm của các cấp, nhiều dự án làm đường bê tông, điện lưới quốc gia được đầu tư về bản. Các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp 100% gia đình ở Huổi Min có nhà ở kiên cố, trường lớp khang trang, học sinh trong độ tuổi đến trường đầy đủ… Bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế.

Rời Huổi Min khi Mặt trời đã đứng bóng. Dọc đường từ nhà ông Sò ra đến đầu bản, những vườn vú sữa, mít Thái bám triền dốc, hứng nắng vươn lên xanh tốt khiến chúng tôi thêm tin về một tương lai đầy tươi sáng ở vùng đất cheo leo này…

Dẫn chúng tôi một vòng quanh bản, ông Sò không giấu được niềm phấn khởi khoe: “Cả bản giờ có gần 80 con trâu, bò, hơn 30 con dê, 4ha trồng cây vú sữa, mít Thái trên đất dốc… Nhiều hộ sắm được tivi, nồi cơm điện, thậm chí có cả tủ lạnh. Huổi Min giờ còn có người làm đại biểu HĐND, cán bộ phường, có đảng viên và hơn hết là không có tệ nạn xã hội”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.