Hội đồng châu Âu (EC) sẽ thảo luận về khả năng tước quyền bỏ phiếu của Hungary trong Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp vào ngày 27 tháng 5.
Vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh sắp tới, đánh dấu bước đi mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài giữa Brussels và Budapest liên quan tới những cáo buộc về việc Hungary đã vi phạm pháp quyền và các giá trị dân chủ, tài liệu chính thức của EU cho biết.
Xung đột giữa Hungary và Liên minh châu Âu đã leo thang sau khi Budapest thông qua một loạt đạo luật mà theo EU là hạn chế quyền tự do báo chí và tính độc lập của ngành tư pháp.
Cụ thể, ngày 20 tháng 5 năm 2025, Euronews đưa tin Nghị viện châu Âu đã khởi xướng một cuộc tranh luận khẩn cấp về luật “minh bạch” của Hungary, trong đó quy định về việc đăng ký và phạt tiền đối với các phương tiện truyền thông và tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ nước ngoài.
Luật này, được Thủ tướng Hungary Viktor Orban gọi là "dọn dẹp mùa xuân", đã gây ra các cuộc biểu tình ở Budapest, nơi có hơn 30.000 người xuống đường vào ngày 18 tháng 5, theo hãng tin Reuters.
Ngoài ra, vào ngày 22 tháng 5, có tới 26 Nghị sĩ châu Âu từ các phe phái khác nhau đã gửi một lá thư tới Ủy ban châu Âu yêu cầu đóng băng hoàn toàn nguồn tài trợ cho Hungary, với lý do "sự thoái trào dân chủ" đang diễn ra.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng không được nói tới đó là chính sách "thân Nga" của Budapest, khi Thủ tướng Viktor Orban từng nhiều lần ngăn chặn chính sách gây bất lợi cho Moskva.

Thủ tục tước quyền bỏ phiếu được quy định tại Điều 7 của Hiệp ước Liên minh châu Âu và có thể được áp dụng trong trường hợp “vi phạm nghiêm trọng và dai dẳng” các giá trị của EU.
Cơ chế này lần đầu tiên được áp dụng đối với Hungary vào năm 2018, nhưng vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể do cần có sự nhất trí giữa các quốc gia thành viên.
Về phần mình, Hungary vẫn kiên quyết. Orban đã nhiều lần cáo buộc EU "tống tiền" và cho biết đất nước của ông đang bảo vệ chủ quyền quốc gia.