Huế hoàn thiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

GD&TĐ - Ngày 20/4, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng tại đợt làm việc với tỉnh này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 24, 25/3 (Ảnh: UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 24, 25/3 (Ảnh: UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 18/4 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế vào các ngày 24 và 25/3 vừa qua.

Cụ thể, tại chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ở Thừa Thiên - Huế, vào thời gian trên, Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; dự Chương trình Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V; kiểm tra tiến độ một số dự án giao thông trên địa bàn và các hoạt động khác.

Thủ tướng kiểm tra tiến độ tại Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài tại Thừa Thiên - Huế.

Thủ tướng kiểm tra tiến độ tại Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài tại Thừa Thiên - Huế.

Thủ tướng chỉ đạo tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V (Ảnh: Đại Dương).

Thủ tướng chỉ đạo tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V (Ảnh: Đại Dương).

Tại kết luận, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả kinh tế - xã hội mà tỉnh đạt được trong năm 2022 và quý I/2023, đồng thời nêu rõ những hạn chế đang gặp phải.

Thừa Thiên - Huế có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang, văn hoá đặc sắc với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, đặc biệt là 07 di sản được UNESCO ghi danh có 05 di sản của riêng Huế và 02 di sản chung với các địa phương khác; là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa vô cùng đặc sắc, là sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa, văn hóa cung đình với văn hóa dân gian.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên - Huế về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Năm 2022, Tỉnh đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%; lượng khách du lịch tăng gần 3 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, kết luận đánh giá, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; chưa thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế lớn đến đầu tư. Một số công trình di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng. Công tác chỉnh trang, nâng cấp, giữ gìn trật tự đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải phóng mặt bằng, tái định cư còn một số bất cập. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành một số lĩnh vực. Đời sống vật chất của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Đối với quan điểm chỉ đạo và một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, tỉnh cần bám sát các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ tiêu, tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết quan trọng khác của Bộ Chính trị, Quốc hội.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt hơn, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phát huy mạnh mẽ điều kiện tự nhiên địa chính trị, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Ngoài ra, công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng cần được quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quý II năm 2023.

Nền kinh tế cũng phải cơ cấu lại theo hướng ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và công nghiệp phụ trợ; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu nông sản. Đồng thời, tập trung xây dựng tỉnh thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có…

Xung quanh các nhóm kiến nghị của tỉnh, đáng chú ý là ý kiến của Thủ tướng về việc xây dựng Đề án “Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Theo đó, kết luận nêu rõ, tỉnh khẩn trương rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật để hoàn thiện Đề án “Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Đối với vấn đề đầu tư xây dựng Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Kết luận cho rằng, việc gìn giữ bảo tồn các giá trị cổ vật cung đình Huế qua các thời đại là cần thiết, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng và xác định vị trí phù hợp; việc trưng bày, giới thiệu cổ vật cung đình Huế cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phải khoa học, hiện đại; kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hoà, phù hợp với tổng thể di tích cố đô Huế; đồng thời nghiên cứu xây dựng trung tâm ẩm thực Huế theo quy định.

Kết luận cũng đồng tình với việc tiếp tục di dời các hộ dân còn lại tại khu vực di tích là cần thiết, để sớm quy hoạch, bảo tồn và phát huy hệ thống di tích Cố đô Huế. Thủ tướng giao UBND tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở rộng phạm vi Đề án để điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh Đề án; xây dựng Khung chính sách về bồi thường, tái định cư gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, bảo đảm kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiệu quả, khả thi và đúng quy định; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Liên quan các nhóm kiến nghị khác như, Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; bổ sung nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 dự án tuyến đường bộ ven biển cầu Thuận An và dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây; đầu tư hệ thống đường lăn, sân bay Quốc tế Phú Bài; đầu tư nâng cấp đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan (quy mô 4 làn xe); đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49; Đề án “Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia; Đề án xây dựng “Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia miền Trung, Thủ tướng giao UBND tỉnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.