Một quầy quảng cáo dịch vụ 3G tại vùng sâu, vùng xa (ảnh minh họa) |
(GD&TĐ) - Với thị phần tuyệt đối trong thị trường cung cấp dịch vụ 3G, việc 3 nhà mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel đồng loạt tăng cước 3G buộc khách hàng không còn lựa chọn nào khác.
Hàng ngàn xe ô tô khách lắp đặt thiết bị giám sát hành trình bị tê liệt truyền dữ liệu do hết cước, hàng vạn khách hàng đăng kí 3G gói dịch vụ không giới hạn bị áp giá tăng thêm 20.000 đồng mỗi tháng. Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra sự việc tăng cước “bất thường” này.
Hùa nhau tăng cước
3 nhà mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel đã đồng loạt tăng cước 3G lên 40%, thậm chí 300% đối với một số gói dịch vụ. Việc bắt tay nhau tăng giá trong cùng 1 thời điểm với 1 mức giá như nhau khiến dư luận nghi ngờ độc quyền nhóm và vi phạm Luật Cạnh tranh.
3 câu hỏi được dư luận đặt ra là:
Thứ nhất, vi phạm Luật Cạnh tranh ra sao và cùng tăng giá có phải là cấu kết với nhau không?
Thứ hai, việc khối các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (tổng thị phần của 3 “ông lớn” hiện đang nắm giữ là 97,3%) cùng điều chỉnh cước 40%, thậm chí 300% có phải là hành vi lạm dụng thống lĩnh để tăng giá?
Thứ ba, theo diễn giải của phía các doanh nghiệp tăng giá để tiến tới bằng giá thành đặt ra câu hỏi có phải các doanh nghiệp này trước kia đã bán dưới giá thành để cạnh tranh không lành mạnh hay không?
Trước sự bức xúc của dư luận, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, đã yêu cầu 3 doanh nghiệp cung cấp thông tin và phối hợp với Cục Viễn thông để điều tra vụ việc trên. Theo một lãnh đạo của Cục thì vụ việc phức tạp và không thể xử lí trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên nếu nhìn vào giải trình của Phòng quản lý giá cước của Cục Viễn thông, thì khó có thể tin vào việc kéo giảm giá cước 3G trở lại.
Theo thống kê của Phòng quản lý giá cước của Cục Viễn thông, đợt tăng giá cước 3G đối với gói dịch vụ không giới hạn (Unlimited) vừa qua chỉ có tác động đến 8,9% thuê bao trong tổng số 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9.
Bên cạnh đó mặc dù cước 3G của 3 nhà mạng lớn đã điều chỉnh tăng từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng đối với mỗi thuê bao đăng ký gói dịch không data mobile không giới hạn nhưng giá cước đã điều chỉnh vẫn chỉ chiếm chưa đến 60% giá thành dịch vụ và so với mặt bằng quốc tế, khu vực giá cước Việt Nam vẫn chỉ bằng 30 - 40% (so sánh trên thu nhập quốc dân đầu người trên toàn thế giới, khu vực và cả ASEAN).
Vấn đề đặt ra ở đây là dù việc tăng giá có hợp lí đi chăng nữa thì 3 nhà mạng đã thực hiện một cách không minh bạch dẫn tới dư luận xấu. Ngay lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra rằng phản ứng từ người dùng và dư luận trong thời gian qua có phần lỗi truyền thông từ các doanh nghiệp chưa được đầy đủ.
Việc không minh bạch trong đợt tăng giá cước 3G này còn ở chỗ các nhà mạng đã phớt lờ việc nâng chất lượng mạng 3G.
Quản lí chất lượng 3G – vẫn ở thì tương lai
Việc tăng giá cước 3G diễn ra trong điều kiện chất lượng dịch vụ hiện quá kém. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là cho đến nay chất lượng mạng 3G vẫn là vấn đề bỏ ngỏ với cơ quan quản lí, nguyên nhân là… chưa ban hành quy chuẩn chất lượng 3G.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông thì khi mới đưa vào Việt Nam, chưa hình dung tiêu chuẩn 3G như thế nào phù hợp. VN cũng chưa có số liệu, kinh nghiệm thực tiễn nên để dịch vụ 3G hoạt động 1 - 2 năm mới bắt đầu xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng này.
Cho đến thời điểm này thì các đơn vị liên quan mới xây dựng xong quy chuẩn kĩ thuật chất lượng 3G và phải chờ Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét ban hành. Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là “dù có điều chỉnh hay không điều chỉnh cước thì chất lượng dịch vụ vẫn phải bảo đảm”.
Như vậy trong thời điểm hiện tại, việc nâng chất lượng dịch vụ 3G vẫn là do “tùy tâm” của nhà mạng. Như VNPT xin thử nghiệm băng tần mới để có thể vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa không tăng giá cước 3G.
Minh Hà