Giải quyết ngay quyền lợi cho HS
Thời gian gần đây, một số phụ huynh trên địa bàn Hà Nội khi nhận thẻ BHYT của con em mình đã phát hiện ra trên thẻ ghi sai sót thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục.
Có HS lớp 7 đã tham gia 7 năm liên tục nhưng trong thẻ BHYT lại ghi là “tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục từ năm 2022” nghĩa là năm 2017 là năm đầu tiên HS này tham gia BHYT. Điều này sẽ làm giảm quyền lợi được hưởng khi HS đi khám chữa bệnh.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hoà cho biết, các bộ phận liên quan đang tiến hành rà soát lại toàn bộ số thẻ BHYT HS trên địa bàn.
Trường hợp, phát hiện ra thẻ bị in sai, nhầm về năm tham gia bảo hiểm y tế và các thông tin liên quan ghi trên thẻ BHYT sẽ thực hiện in điều chỉnh và phát lại thẻ BHYT đến các HS, trong thời gian nhanh nhất.
Trường hợp HS phải nhập viện đúng thời điểm rà soát lại thẻ BHYT, BHXH TP Hà Nội đã chỉ đạo các giám định viên tại các bệnh viện đăng ký khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn, phối hợp với người nhà HS để giải quyết đảm bảo đầy đủ quyền lợi của HS khi khám chữa bệnh.
“Năm 2018, là năm đầu tiên thực hiện việc cấp mã số BHYT mới - trùng với mã số thẻ BHXH sau này và không in thời hạn hết giá trị sử dụng trên thẻ BHYT mà chỉ in thông tin có giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2018, nhằm hạn chế việc in thẻ giấy hằng năm.
Đây cũng là một bước để tiến lên thẻ BHYT điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra sự cố là một số thẻ BHYT HS trên bị in sai, nhầm thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục. Chúng tôi thẳng thắn nhận thiếu sót và chủ động rà soát lại toàn bộ số thẻ BHYT HS trên địa bàn và tích cực khắc phục tình trạng này”, ông Nguyễn Đức Hòa nêu rõ.
Nội trú không cần giấy chuyển tuyến
Theo Giám đốc BHXH Hà Nội, vì không in thời gian hết hạn thẻ nên thẻ BHYT sẽ được dùng đến khi hỏng, mất... Do đó, năm sau sẽ không in lại thẻ BHYT và sẽ không còn xảy ra trường hợp in sai thông tin trên BHYT.
Bổ sung về vấn đề này, Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết: Trên thẻ BHYT không ghi giá trị hết hạn thẻ, nhưng trong dữ liệu điện tử của BHXH Việt Nam đã lưu giữ toàn bộ hồ sơ, thời gian đóng, mức hưởng... của người tham gia.
Do đó, dù không ghi thời hạn sử dụng thẻ nhưng nếu HS, SV không tham gia BHYT ở giai đoạn nào thì sẽ không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT ở giai đoạn đó.
Cũng trong thời gian qua, nhiều phụ huynh có ý kiến phản ánh về việc con em mình đang điều trị nội trú BHYT từ năm 2017 sang năm 2018 đã có giấy chuyển tuyến năm 2017, nhưng có bệnh viện vẫn yêu cầu xin giấy chuyển tuyến năm 2018 gây khó khăn cho bệnh nhân.
Để giải quyết vướng mắc này, ngày 12/1, BHXH TP Hà Nội đã có công văn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn nhằm đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT điều trị từ năm 2017 sang năm 2018.
Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT không yêu cầu bệnh nhân BHYT đang điều trị nội trú chuyển tiếp từ năm 2017 sang năm 2018 về nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu để xin giấy chuyển tuyến mà cần tiếp tục giải quyết quyền lợi đến hết đợt điều trị.
Công văn này xuất phát từ Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định 62 loại bệnh như: Hội chứng viêm thận mạn, suy thận mạn, chạy thận nhân tạo chu kỳ… thì được sử dụng giấy chuyển tuyến từ cơ sở y tế tuyến trước từ ngày được giới thiệu cho đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.
Đặc biệt, đến hết ngày 31/12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì giấy chuyển tuyến này vẫn có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi của chính bệnh nhân; nhất là giảm bớt được nhiều thủ tục phiền hà cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh.