Từng là giáo viên, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka đã truyền cảm hứng cho hơn 450 học sinh trong buổi đối thoại về Vai trò của giới trẻ trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại trường Chu Văn An ngày 30/3.
“Buổi thảo luận ngày hôm nay là về vai trò của các em, những hành động và trách nhiệm của các em trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” bà Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc mở đầu buổi đối thoại.
Bạo lực giới là một trong những vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam. Theo một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê năm 2010, một phần ba số phụ nữ đã từng kết hôn đã bị bạo lực thể xác tại một số thời điểm trong đời.
Nếu tính cả bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần thì con số này lên tới gần 60%. “Báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” do UN Women thực hiện năm 2012 đã chỉ ra những thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ gây ra.
Trong không khí cởi mở, các em học sinh Trường Chu Văn An đã mạnh dạn đưa ra những ý kiến của mình về bạo lực giới. Các em tin rằng nguyên nhân gốc rễ của bạo lực giới là do những định kiến và khuôn mẫu giới tồn tại từ lâu trong xã hội.
“Em nghĩ nguyên nhân chính của bạo lực giới đã tồn tại từ xưa. Quan niệm truyền thống cho rằng đàn ông là những người ra quyết định trong gia đình và phụ nữ thì không có quyền được nói”, Việt, học sinh lớp 11D bày tỏ.
Một số em học sinh đã chia sẻ trải nghiệm của bản thân đối với bạo lực giới. “Cá nhân em đã từng là nạn nhân của một dạng bạo lực giới. Em đã từng bị tẩy chay. Nó không phải bạo lực về thể xác mà là bạo lực về tinh thần và tác hại của nó thì cũng rất đáng sợ.
Nó rất khó có thể nhìn thấy được, vì nó ngấm ngầm xảy ra. Việc này đã ảnh hưởng tới việc học và cuộc sống của em rất nhiều”, một bạn gái lớp 11 Địa chia sẻ.
Một bạn nữ khác đã nêu ra vấn đề về bạo lực giới trong thế giới mạng: “Việc xâm phạm lẫn nhau trên mạng rất khó kiểm soát và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nạn nhân. Các bạn bị nói xấu, tung ảnh, rêu rao trên mạng thường muốn trốn tránh mọi người và không dám đến trường.”
Lắng nghe những chia sẻ của các em, bà Giám đốc điều hành UN Women đã đưa ra lời khuyên “ Nếu các em chứng kiến một hành vi bạo lực giới tại nhà, trường học hoặc trong cộng đồng, các em có trách nhiệm phải báo cáo.”
“Các em gái phải hiểu biết những quyền của mình và tìm hiểu những cách thức để tìm kiếm sự hỗ trợ. Một số em đã nói về bạo lực tinh thần, và điều quan trọng là các em không đơn độc. Nhà trường nên có cơ chế để các em có thể trao đổi và có sự giúp đỡ từ giáo viên. Và các thầy cô giáo cần phải chủ động có hành động thiết thực để bảo vệ các em”.
Cuối buổi thảo luận, bà Mlambo-Ngcuka bày tỏ niềm tin vào thế hệ tương lai của Việt Nam: “Các em là những học sinh xuất sắc. Tôi có thể nhìn thấy ở đây gương mặt tương lai của những lãnh đạo trong các cơ quan chính phủ, của các tập đoàn, các tổ chức quốc tế. Các em đang được học để trở thành những nhà lãnh đạo và tạo ra sự thay đổi cho tương lai Việt Nam.”
Buổi đối thoại về Vai trò của Giới trẻ trong Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một hoạt động trong dự án phòng chống bạo lực đối với trẻ em gái vị thành niên do tổ chức Plan International thực hiện tại hơn 20 trường học ở Hà Nội. Dự án do Quỹ Niềm tin của Liên Hợp Quốc về phòng chống bạo lực đối phụ nữ tài trợ.