Houthi diệt MQ-9 Reaper 'như ruồi' làm phơi bày điểm yếu công nghệ Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Houthi tại Yemen hiện đã bắn hạ máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ với tổng trị giá hơn một phần tư tỷ đô la.

Một chiếc MQ-9 Reaper bị Houthi bắn hạ.
Một chiếc MQ-9 Reaper bị Houthi bắn hạ.

Công nghệ cao gục ngã trước vũ khí Liên Xô

Vụ bắn hạ Reaper mới nhất diễn ra hôm 7 tháng 9 khi chiếc máy bay không người lái này đang thực hiện các hoạt động thu thập thông tin tình báo trên tỉnh Marib ở miền trung Yemen.

Quân đội Mỹ ban đầu từ chối xác nhận vụ mất mát nhưng sau đó một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với phương tiện truyền thông Mỹ rằng một chiếc MQ-9 của Không quân đã "bị tấn công nhưng sau đó đã hạ cánh an toàn và được các lực lượng đối tác của Mỹ thu hồi vào ngày 9 tháng 9" ở đâu đó tại Trung Đông.

Lầu Năm Góc không nêu rõ máy bay không người lái đã hạ cánh chính xác ở đâu, ai đã thu hồi nó hoặc nó có hình dạng như thế nào.

Chiếc Reaper bị hư hại là chiếc UAV trinh sát và tấn công thứ tám trị giá 32 triệu đô la của Mỹ bị lực lượng dân quân Houthi bắn hạ kể từ tháng 11 năm ngoái.

Vào ngày 4 tháng 8, Houthi đã bắn hạ một chiếc Reaper trên bầu trời Saada, tây bắc Yemen. Một nguồn tin đáng tin cậy cho hãng Jpost biết rằng lực lượng Houthi đã sử dụng hệ thống phòng không 2K12 Kub hiện đại hóa do Liên Xô chế tạo thực hiện vụ bắn hạ.

Vào ngày 29 tháng 5, Houthi đã phá hủy một chiếc Reaper không có số hiệu (có thể là của CIA), trên bầu trời Marib, công bố đoạn phim ghi lại cảnh những chiến binh đi dép đứng trên chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ.

Vào ngày 24 tháng 5, lực lượng Houthi đã bắn hạ một chiếc MQ-9 trên bầu trời Sanaa, thủ đô của Yemen.

Ngày 17 tháng 5, một chiếc Reaper khác đã bị phá hủy trên bầu trời Marib.

Hôm 27 tháng 4, lực lượng Houthi đã bắn hạ một chiếc MQ-9 ở tỉnh Sadaa, tây bắc Yemen.

Ngày 19 tháng 2, một chiếc Reaper đã bị phá hủy trên bầu trời thành phố al-Hudaydah ở phía tây Yemen.

Ngày 8 tháng 11 năm 2023, một chiếc Reaper của Không quân Mỹ đã bị bắn hạ trên Biển Đỏ ở ngoài khơi bờ biển Yemen.

Houthi đã bắn hạ thêm ba chiếc Reaper trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, cùng với một loạt vũ khí đắt tiền khác do NATO sản xuất trong nỗ lực của Mỹ nhằm giúp liên minh vùng Vịnh lật đổ lực lượng dân quân này khỏi quyền lực.

Tiền lệ nguy hiểm với Mỹ

"Việc bắn hạ thêm một chiếc MQ-9 nữa có thể tác động tiêu cực đến danh tiếng của tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ trên trường quốc tế. Niềm tin vào hiệu quả của các công nghệ quốc phòng và sức mạnh quân sự của Mỹ có thể bị suy yếu.

Điều này có thể khiến các khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ và quân sự của Mỹ lo ngại về sự thất bại của các sản phẩm của Hoa Kỳ trên thực địa", nhà khoa học chính trị và quan sát viên các vấn đề quốc tế Tiến sĩ Mehmet Rakipoglu tại Đại học Mardin Artuklu của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Jpost khi bình luận về cơn đau đầu của Washington.

Về mặt chính trị và chiến lược, thành công của chiến dịch chống máy bay không người lái của Houthi có thể làm suy yếu lý do biện minh cho các hoạt động và sự hiện diện liên tục của Mỹ trong khu vực, và thậm chí "làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả của các chính sách thể hiện sức mạnh của Mỹ... có khả năng đe dọa đến lợi ích chiến lược toàn cầu và khu vực của Washington trong dài hạn", Rakipoglu, giải thích.

Mỹ đang ở thế khó trong cuộc chiến với Houthi, không muốn bị vướng vào một cuộc đối đầu quy mô lớn hơn nữa vì sợ gây ra một cuộc chiến tranh khu vực với các đồng minh Trục kháng chiến Iran, nhưng cũng không thể rút lui mà không mất mặt.

Rakipoglu cho biết Houthi đã chứng minh rằng họ "có khả năng chống lại một trong những công nghệ tiên tiến nhất" trong kho vũ khí của Mỹ và cũng có thể cạnh tranh với Lầu Năm Góc về mặt chi phí.

"Giá rẻ tương đối và thiết bị sản xuất tại địa phương mà Houthi sử dụng có thể dẫn đến nhiều tổn thất hơn cho Mỹ, nước chi tiêu quân sự lên tới nhiều tỷ đô la.

Điều này không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là vấn đề chiến lược. Thực tế này đặt ra câu hỏi về hiệu quả chi tiêu quân sự của Mỹ và đặt ra câu hỏi về mức độ bền vững khi chỉ dựa vào ưu thế công nghệ", Tiến sĩ Rakipoglu, nói.

Thành công của Houthi trước hạm đội do Mỹ dẫn đầu tập hợp chống lại họ đã chứng minh là rất đáng quên đối với Washington và các đồng minh của họ.

Vào thứ sáu, cựu Chỉ huy Hải quân Hoàng gia Anh, Tom Sharpe đã thừa nhận sự thất bại trong những nỗ lực của phương Tây nhằm khuất phục lực lượng dân quân Houthi tại Yemen.

"Họ đang đạt được mục đích của họ, tất cả họ, còn chúng ta thì không đạt được mục đích nào cả. Chúng ta đang chi hàng triệu đô la mà không giành được chiến thắng. Đây là một vấn đề thực sự", Sharpe nói, ám chỉ đến tuyên bố của Houthi sẽ tiếp tục phong tỏa Biển Đỏ cho đến khi đạt được hòa bình ở Gaza.

Clip các chiến binh Houthi đứng trên một chiếc MQ-9 bị bắn hạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ