Hợp tác Việt Nam - Australia về khung trình độ quốc gia

GD&TĐ - Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kinh tế của Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand  (AANZFTA), từ 12 - 15/10, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu thăm và làm việc tại Australia để trao đổi về hợp tác giáo dục và phát triển khung trình độ quốc gia.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga và đoàn công tác trao đổi với Bộ GD -ĐT Australia về quản lý và thực hiện Khung trình độ quốc gia
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga và đoàn công tác trao đổi với Bộ GD -ĐT Australia về quản lý và thực hiện Khung trình độ quốc gia

Cùng tham gia đoàn công tác có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Australia.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga và đoàn công tác trao đổi với Bộ GD -ĐT Australia về quản lý và thực hiện Khung trình độ quốc gia.

Tại buổi làm việc với  Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả về giáo dục và đào tạo trong thời gian qua giữa hai nước. Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của Khung trình độ quốc gia trong trong bối cảnh hội nhập về giáo dục và lao động trong các nước ASEAN và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 

Việt Nam hiện chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý và thực hiện Khung trình độ quốc gia của mình nên cần sự hỗ trợ kỹ thuật của các nước có nền giáo dục phát triển như Australia.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị Australia tiếp tục giúp Việt Nam trong quản lý và thực hiện Khung trình độ quốc gia, cụ thể như chuyển giao kinh nghiệm thiết kế chương trình đào tạo các cấp theo khung trình độ quốc gia, xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo tương ứng, kinh nghiệm tổ chức cơ quan quản lý việc thực hiện khung trình độ quốc gia, xây dựng bộ công cụ đánh giá việc thực hiện, tầm quan trọng của khung trình độ quốc gia trong đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp yêu cầu của công nghiệp....

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia - Ngài Craig Ritchie - đánh giá cao những kết quả mà giáo dục đào tạo Việt Nam đã đạt được trong nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngài Craig Ritchie cho biết: Australia đã có hơn 20 năm xây dựng và thực hiện Khung trình độ quốc gia, trong đó Khung trình độ quốc gia Australia là một trong những cơ sở quan trọng để phát triển chương trình đào tạo, công nhận văn bằng, bảo đảm chất lượng, đào tạo liên thông, gắn kết với thị trường lao động, được công nhận không chỉ ở Australia mà còn ở nhiều quốc gia khác.

Australia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật để góp phần giúp Việt Nam quản lý và thực hiện tốt Khung trình độ quốc gia của mình.

Cùng ngày, Đoàn công tác đến thăm một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tại Australia, khảo sát thực tế việc áp dụng và thực hiện Khung trình độ quốc gia. Đây là những kinh nghiệm rất bổ ích để triển khai khung trình độ quốc gia ở nước ta trong những năm sắp tới.

Trên cơ sở Khung tham chiếu trình độ ASEAN mà Việt Nam đã tham gia phê chuẩn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây là bước quan trọng tiến tới công nhận trình độ đào tạo giữa Việt Nam và các nước trong khối khi công đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay. 

Dự kiến sau khi khung trình độ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhiều công việc để áp dụng các chuẩn qui định vào chương trình đào tạo các cấp giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Đồng thời, cần tổ chức quản lý việc áp dụng khung trình độ quốc gia vào thực tiễn bao gồm việc thiết kế chính sách kiểm soát chất lượng đào tạo, văn bằng chứng chỉ, công nhận tương đương bằng cấp giữa các nước trong khối… Australia có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên là mô hình tham khảo tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.