Hợp tác vì mục tiêu tăng cường năng lực của lao động di cư

Hợp tác vì mục tiêu tăng cường năng lực của lao động di cư

(GD&TĐ)- Hôm nay (18/12), Ngày Quốc tế về Người di cư được các quốc gia trên thế giới kỷ niệm  nhằm vinh danh và ghi nhận sự đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước mà hoạt động di cư đem lại; đồng thời nhằm thúc đẩy những quyền cơ bản của tất cả mọi người di cư.

Cách đây 22 năm (18/12/1990), Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã thông qua Công ước về bảo vệ quyền của tất cả lao động di cư và thành viên gia đình họ. Nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế về Người Di cư, Chính phủ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp quốc tại Việt Nam phát động chương trình “Thúc đẩy Di cư An toàn”. 

Hợp tác vì mục tiêu tăng cường năng lực của lao động di cư ảnh 1
 Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Liên hiệp quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác vì mục tiêu tăng cường năng lực của lao động di cư, thúc đẩy và tối ưu hóa lợi ích của hoạt động di cư an toàn. Ảnh minh họa: internet

Trong khuôn khổ Chương trình này, nhiều hoạt động tại Hà nội và một số địa phương sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, truyền thông về những bước cần thiết để di cư an toàn và trách nhiệm của cá nhân người di cư, của người sử dụng lao động, của các đơn vị tuyển dụng, của Chính phủ và các đối tác trong việc tiến tới di cư an toàn và hiệu quả.

Theo thống kê năm 2010 của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hàng năm có khoảng 215 triệu lao động di cư trên toàn thế giới. Trong đó, số lao động của Việt Nam có khoảng 500.000 người làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2010, có khoảng 80.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

IOM nhận định, đi làm việc ở nước ngoài có thể là một sự lựa chọn hay một chiến lược quan trọng đối với các cá nhân và gia đình tại Việt Nam để cải thiện, nâng cao thu nhập gia đình. Kiều hối của người  lao động di cư chuyển về gia đình được sử dụng để trang trải tiền học phí cho con em người lao động di cư, chi phí khám sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, đầu tư vào các hoạt động sản xuất mang lại thu nhập bền vững, cũng như góp phần vào chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình người di cư. Ngoài sự đóng góp về tài chính, sau khi đi làm việc ở nước ngoài, với trình độ tay nghề, ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc cũng như hiểu biết xã hội học hỏi, tích lũy trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người lao động trở về là một nguồn nhân lực quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo những thách thức: có những nguy cơ trong quá trình lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài dẫn đến những rủi ro bị bóc lột và lạm dụng như: phải lệ thuộc vào môi giới bất hợp pháp và chủ sử dụng lừa đảo, người lao động không hiểu biết về luật pháp cũng như ngôn ngữ tại nước tiếp nhận.

Những rủi ro trong di cư rất khác nhau giữa nam giới và nữ giới, giữa các nhóm lao động di cư có độ tuổi, có trình độ tay nghề khác nhau.

Đồng thời tổ chức trên cũng đưa ra khuyến nghị: di cư lao động an toàn là người lao động di cư phải được thông tin đầy đủ, di cư thông qua các kênh chính thống và được thụ hưởng đầy đủ sự bảo vệ về quyền và nhân phẩm; quá trình di cư phải được đảm bảo an toàn và người lao động di cư phải được làm những công việc mang tính chất bền vững.

Hoạt động di cư an toàn cũng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Chính phủ đối với người di cư trong công tác chuẩn bị trước khi đi làm việc ở nước ngoài, trong thời gian làm việc ở nước ngoài, cũng như sau khi người lao động về nước. Những sự hỗ trợ cần thiết gồm có đảm bảo chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ trước phái cử, đảm bảo các dịch vụ lãnh sự để hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, thị trường lao động và quá trình hòa nhập thuận lợi vào xã hội sau khi trở về.

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp của lao động Việt Nam và bảo đảm sự an toàn của họ ở nước ngoài. Cùng với đó, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), MOLISA cùng với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam đang thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ người lao động di cư khỏi nạn bóc lột lao động trong khuôn khổ các dự án khu vực về di cư an toàn và hợp pháp. Trong chương trình hợp tác với Cơ quan Phụ nữ của Liên hiệp quốc (UN Women), Cục Quản lý lao động ngoài nước của Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực của cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan để tăng quyền năng và bảo vệ quyền của lao động nữ di cư.

Trên tinh thần quan hệ đối tác mạnh mẽ trong khuôn khổ Một Kế hoạch giai đoạn 2012 – 2016, Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Liên hiệp quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác vì mục tiêu tăng cường năng lực của lao động di cư, thúc đẩy và tối ưu hóa lợi ích của hoạt động di cư an toàn.

Hải An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ