Hợp tác ở tầm chiến lược

GD&TĐ - Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội giữa lúc giãn cách xã hội, dịch Covid-19 đang hoành hành ở TPHCM và một số địa phương phía Nam.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không ồn ào nhưng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng với quan hệ hai nước.

Trong chuyến thăm, bà Harris công bố Mỹ tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer không điều kiện, và đến Việt Nam trong vòng 24 giờ. Bà chia sẻ rằng, bà hiểu nhân dân Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Bà nhấn mạnh: “Người dân Việt Nam đã đứng bên cạnh chúng tôi với các món quà khẩu trang và bộ đồ bảo hộ khi dịch mới bùng phát. Và lúc này chúng tôi ở đây vào lúc cần thiết”.

Phát biểu của bà Harris cho thấy, đó không chỉ là sự hợp tác với khía cạnh để tất cả được an toàn cho đến khi từng người được an toàn, mà còn là kết quả của các nỗ lực ngoại giao tích cực và mang tinh thần đoàn kết, sẻ chia của Việt Nam từ lâu.

Khi thế giới bùng phát dịch năm ngoái và Việt Nam còn yên ổn trong cơn bão Covid, Việt Nam đã chia sẻ những món quà thiết thực như khẩu trang, đồ bảo hộ, thiết bị y tế cho nhiều quốc gia, từ Mỹ, châu Âu, các nước trong khu vực…

Lúc đó ai có thể dự đoán dịch bệnh sẽ hoành hành ở Việt Nam với mức độ kinh hoàng như hiện nay, và giờ là lúc Việt Nam được đền đáp cho những hoạt động ngoại giao chủ động, đoàn kết của mình.

Bà Kamala Harris đến Việt Nam còn mang nhiều thông điệp khác: Đó là sự trở lại của Mỹ với khu vực Đông Nam Á để thể hiện chiến lược ngoại giao tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Việt Nam là đối tác quan trọng của Mỹ trong chiến lược này nhờ vị thế địa chiến lược đặc biệt, nhờ vai trò trung tâm của Việt Nam trong ASEAN.

Chuyến thăm cũng nhằm làm sâu sắc quan hệ song phương được tạo dựng và bùng nổ mạnh mẽ trong 25 năm qua trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế thương mại, y tế, giáo dục…

Điều đáng chú ý là Phó Tổng thống Harris đã đề xuất nâng cấp quan hệ hai nước từ mức đối tác toàn diện hiện nay trở thành đối tác chiến lược. Tuy đề xuất này cần được Việt Nam xem xét tiếp tục, song nó cho thấy Mỹ thực sự nhìn nhận Việt Nam như là một đối tác chủ chốt trong khu vực.

Sự nhìn nhận đó xuất phát từ chính lợi ích song trùng của hai nước. Quan hệ Việt – Mỹ đã đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của Việt Nam, tạo thêm việc làm cho người Mỹ, đóng góp vào an ninh khu vực.

Thương mại hai chiều lên tới 90 tỷ USD năm 2020, Mỹ là nhà đầu tư thứ 10 ở Việt Nam, gần 30 nghìn sinh viên Việt Nam học ở Mỹ, hai bên hợp tác phòng chống dịch bệnh, giải quyết hậu quả chiến tranh, gìn giữ hoà bình quốc tế.

Về an ninh khu vực, Mỹ ủng hộ quan điểm của Việt Nam về một Biển Đông hoà bình, ổn định, dựa trên luật lệ. Mỹ phản đối yêu sách lưỡi bò, phản đối việc sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, việc bắt nạt, cưỡng ép.

Quyền bay qua, đi qua Biển Đông còn được nhiều nước khác ngoài khu vực như Anh, Pháp, Đức, Australia ủng hộ… bởi đó là lợi ích chung của tất cả các nước với tuyến đường thương mại biển thuộc loại quan trọng nhất thế giới.

Như nhận xét của các chuyên gia, nội hàm quan hệ Việt – Mỹ hiện nay đã ở tầm đối tác chiến lược cho dù chưa được định danh chính xác như vậy. Nhưng dù ở cấp nào, thì quan hệ đó cũng dựa trên sự song trùng lợi ích, niềm tin chiến lược ngày càng sâu sắc.

Việt Nam đã phát triển được sức mạnh nội tại mạnh mẽ, tạo dựng vị thế, uy tín vững chắc trong khu vực và trên thế giới, sự tự tin khi hội nhập, với một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở - đó là điều nước Mỹ cần khi tìm kiếm một quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.