Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng, hướng tới công nhận tín chỉ giữa các cơ sở đào tạo trong nước.
Chuyển tiếp tín chỉ
Cách đây hơn 5 năm, khối các trường kỹ thuật, trong đó có Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã thỏa thuận việc trao đổi công nhận tín chỉ. PGS.TS Phạm Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng trường nhìn nhận, công nhận tín chỉ giữa các trường sẽ có nhiều lợi ích cho người học. Điều đó giúp sinh viên có điều kiện trải nghiệm về văn hóa, môi trường học tập ở các cơ sở giáo dục đại học khác nhau.
Công nhận tín chỉ là chủ trương của giáo dục đại học nói chung, nhưng PGS.TS Phạm Xuân Anh nhận thấy, kết quả còn hạn chế và chưa được như mong muốn. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này; trong đó chưa có sự tương đồng giữa chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Vì thế, các trường cần ngồi lại với nhau để bàn thảo, xây dựng chương trình theo tiêu chí chuẩn chung. “Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ xúc tiến việc này, nhằm mang lại lợi ích cho người học”, PGS.TS Phạm Xuân Anh trao đổi.
Tuy nhiên, trên phương diện liên kết quốc tế, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có các chương trình hợp tác song phương chuyển tiếp tín chỉ với một số cơ sở giáo dục đại học của Vương quốc Anh và Úc.
PGS.TS Phạm Xuân Anh cho hay, sinh viên học một phần chương trình tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, sau đó chuyển tiếp sang trường đối tác để hoàn thành chương trình học và nhận bằng. Theo đó, sinh viên có thể lựa chọn tham gia một trong các chương trình chuyển tiếp tín chỉ với cơ sở giáo dục đại học của Vương quốc Anh và Úc theo cấu trúc chuyển tiếp như: 1+2; 2+2; 3+2; 2.5+2; 2+2.5; 3+1.
Là dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Cộng hòa Liên bang Đức, TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức thông tin, mỗi chương trình đào tạo trong giai đoạn đầu có khoảng 80% giáo sư từ Đức tham gia giảng dạy.
Việc giảng dạy được chuyển giao từng bước cho đội ngũ giảng viên Việt Nam của trường. Đây là cam kết chặt chẽ giữa hai quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nên việc này được triển khai ngay từ khi trường thành lập đến nay.

Không tạo rào cản
Về công tác trao đổi sinh viên, TS Hà Thúc Viên cho hay, có hai cách tiếp cận. Thứ nhất, hằng năm có khoảng 30 sinh viên năm cuối của trường nhận học bổng của Viện Trao đổi Hàn lâm Đức được sang nước sở tại học tập từ 6 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, phần lớn chương trình của Trường Đại học Việt Đức đã chuyển giao từ các đại học của Đức. Do đó, nhà trường có quyền sở hữu những chương trình đào tạo này.
“Hiện, chúng tôi triển khai các chương trình song bằng”, TS Hà Thúc Viên chia sẻ, đồng thời lưu ý, đối với chương trình này, sinh viên bắt buộc phải sang Đức một số tháng. Đó là nguyên tắc để được cấp bằng. Tuy nhiên, có một vài chương trình sinh viên không phải sang Đức học tập. Dù học ở Việt Nam nhưng tỷ lệ giáo sư của Đức tham gia vào giảng dạy luôn đảm bảo (chiếm khoảng 30% thời lượng của một chương trình đào tạo).
Thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đẩy mạnh hợp tác trao đổi tín chỉ tại các trường đại học uy tín về kinh tế và kinh doanh. PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế nhấn mạnh, phát triển hợp tác nhằm đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa giáo dục của nhà trường, giúp sinh viên, học viên, giảng viên được tiếp cận học tập, nghiên cứu trong môi trường quốc tế.
Tăng cường trao đổi sinh viên thông qua tăng số lượng thỏa thuận hợp tác với đối tác quốc tế uy tín giúp người học làm quen với môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội đa dạng tại các khu vực, quốc gia khác nhau.
Theo dõi hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Xuân Vang - nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) nhận thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật qua các thời kỳ ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hợp tác liên kết đào tạo với nước ngoài.
Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức mới của quá trình hội nhập quốc tế, việc ban hành các quy định pháp lý phù hợp cho hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc thấu đáo để không tạo rào cản không cần thiết cho các cơ sở giáo dục Việt Nam trong tiến trình tự chủ, nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế.
Ở cấp cơ sở giáo dục đại học, ông Vang đề nghị tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Các trường cần cử giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài theo đề án ngân sách Nhà nước, nguồn học bổng của nước ngoài và học bổng cơ sở. Đầu tư và xây dựng các chương trình đào tạo sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy.
Tiến hành kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế. Như vậy, cơ sở giáo dục sẽ ở vị thế thuận lợi hơn khi hợp tác liên kết đào tạo với nước ngoài. Các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh còn có thể thu hút sinh viên quốc tế đến học.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học cần tích cực tham gia mạng lưới đại học khu vực và quốc tế, tham gia chương trình trao đổi sinh viên với các trường nước ngoài trên cơ sở hợp tác song phương và đa phương. Đồng thời nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ làm công tác hợp tác giáo dục quốc tế. Đây chính là những người trực tiếp quản lý thực hiện các chương trình hợp tác với nước ngoài.
Mặt khác, chủ động và tích cực chuyển đổi số trong mọi hoạt động của nhà trường; làm tốt công tác truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời và minh bạch cho người liên quan, trong đó có đối tác nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Xuân Vang, trong bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng với thế giới, việc xây dựng khung pháp lý cho liên kết đào tạo với nước ngoài nói riêng và giáo dục xuyên biên giới nói chung là cần thiết.
Đa dạng hóa các chương trình liên kết đào tạo và khuyến khích sự tham gia của cơ sở giáo dục đại học uy tín từ nước ngoài không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn giúp Việt Nam từng bước hội nhập mạnh mẽ hơn vào mạng lưới giáo dục toàn cầu.