Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Nara chụp ảnh cùng các thành viên của hai đoàn hội đàm Việt Nam - Campuchia |
GD&TĐ - Trong 2 ngày (4 – 5/12), với tư cách Chủ tịch SEAMEO, đoàn công tác do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã có chuyến làm việc tại Campuchia. Báo GD&TĐ cung cấp thêm những thông tin về hợp tác giáo dục giữa 2 nước.
Những hợp tác trong khuôn khổ SEAMEO
Trung tâm Đào tạo Khu vực của SEAMEO tại Việt Nam (SEAMEO RETRAC) đã tích cực hỗ trợ Campuchia trong đào tạo và nghiên cứu. Trong Chương trình hỗ trợ đào tạo về quản lý giáo dục từ năm 1998 -2013 SEAMEO RETRAC đã tổ chức 16 khóa đào tạo về nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý giáo dục dành cho đội ngũ cán bộ quản lý và lãnh đạo giáo dục, đặc biệt tại các trường PTTH, đại học và cao đẳng tại CNDCND Lào, Campuchia và Việt Nam. 73 học viên Campuchia đã theo học các khóa đào tạo này.
Để hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ nguồn của Campuchia, từ năm 2007, SEAMEO RETRAC đã tổ chức 2 khóa đào tạo cho 111 học viên về nâng cao kỹ năng lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ giáo dục bậc PTTH, đại học và cao đẳng nước này. Việc đào tạo này được thực hiện tại Campuchia nhằm tạo điều kiện cho học viên trong việc tham gia các khóa học.
Nhằm giúp phát triển nguồn nhân lực về giảng dạy tiếng Anh cho Campuchia, SEAMEO RETRAC phối hợp với trường đại học Curtin (Úc) mỗi năm cấp 1 học bổng cho giáo viên tiếng Anh Campuchia để theo học khóa thạc sĩ ngôn ngữ ứng dụng do SEAMEO RETRAC phối hợp với đại học Curtin tổ chức tại TPHCM.
SEAMEO RETRAC còn thực hiện nghiên cứu khảo sát nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý giáo dục tại Campuchia trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý giáo dục trong năm 2007 - 2008. Nghiên cứu nhằm tìm hiểu về nhu cầu thực tại của đội ngũ lãnh đạo và quản lý đang công tác trong ngành giáo dục tại nước này, giúp Trung tâm nâng cao hiệu quả các khóa đào tạo có liên quan.
Bà Hồ Thanh Mỹ Phương - Giám đốc SEAMEO RETRAC – cho biết thêm: Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn tài trợ kinh phí cho 1 hoặc 2 đại biểu từ Campuchia tham dự các hội nghị, hội thảo do Việt Nam chủ trì tổ chức tại Việt Nam (Hội nghị SEAMEC 47 năm 2013, Hội nghị quan chức cấp cao về giáo dục cơ bản năm 2012, Hội nghị Vụ trưởng/Tổng Vụ trưởng giáo dục đại học năm 2012 và các hội nghị, hội thảo khác...).
Còn từ năm 1998, SEAMEO RETRAC đều đặn trích một phần kinh phí hoạt động của Trung tâm để chi trả toàn bộ chi phí hỗ trợ thành viên Hội đồng Quản trị từ Campuchia đến tham gia phiên họp Hội đồng Quản trị định kỳ hằng năm của Trung tâm.
LHS đang học tập tại Trường Đại học Hoàng gia PhnomPenh |
Đa dạng trong hợp tác song phương
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục Việt Nam đều có ý thức trách nhiệm cao trong việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo LHS. Công tác quản lý LHS trong các cơ sở đào tạo đảm bảo tốt, an toàn. Giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ để LHS yên tâm học tập. |
Thực hiện Biên bản kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia; Nghị định định thư hợp tác giáo dục giai đoạn 2011 – 2015, Kế hoạch hợp tác năm 2012 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tiếp nhận 100 lưu học sinh Campuchia (LHS) sang học dài hạn (trong đó 70 LHS học tiếng Việt và dự bị đại học; 30 LHS sang học tiến sỹ và thạc sỹ), 20 LHS theo chương trình CLMV.
Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi 15 LHS sang học đại học và 20 LHS đi học ngắn hạn tiếng Khmer trong vòng 2 năm.
Việc thông báo tuyển được công khai trên Internet và tuyển chọn đáp ứng đúng yêu cầu đã đề ra, trong đó có ưu tiên các ứng viên thuộc các tỉnh biên giới hoặc căn cứ nhu cầu của các Bộ, ngành có liên quan.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 2 đoàn kiểm tra liên Bộ (tháng 4/2012 và tháng 4/2013) về tình hình LHS Campuchia tại một số cơ sở giáo dục và đào tạo Việt Nam có nhiều hợp tác với Campuchia.
Ngày 24/7/2012, Thông tư số 120/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ra đời hướng dẫn suất chi đào tạo cho LHS Campuchia và Lào (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam. Theo đó, suất chi đào tạo cho LHS đã tăng lên khoảng 30%.
Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại Campuchia tháng 4/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đón 2 đoàn cấp Bộ của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia sang trao đổi về hợp tác giáo dục.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn cấp Vụ của Campuchia để trao đổi về chuyên môn và một số lĩnh vực cụ thể, trong đó có phải kể đến việc đón tiếp chu đáo đoàn Vụ Quan hệ văn hóa và học bổng và 100 lưu học sinh sang học đại học vào tháng Chín hằng năm.
Để các hoạt động song phương thêm đa dạng và hiệu quả ngày 28/8/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã ký Kế hoạch hợp tác giáo dục năm 2012 giữa hai Bộ.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn coi chất lượng và hiệu quả trong mỗi chương trình hợp tác là một yêu cầu quan trọng. Cho đến nay, kế hoạch hợp tác đã được triển khai nghiêm túc theo tinh thần đã thỏa thuận.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm trường Đại học Quản trị Kinh doanh ở PhnomPenh |
Những công việc cần hướng tới
Trong khuôn khổ SEAMEO, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo SEAMEO RETRAC tiếp tục hỗ trợ Campuchia trong công tác đào tạo, nghiên cứu và công tác khác.
Campuchia cũng đang xem xét thành lập 1 trung tâm của SEAMEO tại Campuchia. Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ, giúp đỡ tư vấn về các bước thành lập cũng như hoạt động sau này của Trung tâm.
Còn trong khuôn khổ song phương, phía Việt Nam tiếp tục tăng cường trao đổi hợp tác về giáo dục với phía Campuchia, sẵn sàng đón tiếp các đoàn công tác của bạn sang học tập và trao đổi kinh nghiệm về giáo dục và đào tạo.
Hai bên tích cực làm việc để thúc đẩy việc ký kết Kế hoạch hợp tác giáo dục năm 2014 khi Thủ tướng Samdek Hun Sen sang thăm Việt Nam.
Hai bên tiếp tục tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố của Việt Nam mở rộng đào tạo LHS của Campuchia theo diện sử dụng ngân sách của địa phương. Tạo điều kiện để LHS hai nước có thể được du học tự túc, theo diện hợp đồng giữa các cơ sở đào tạo.
Năm 2014, trong các học bổng của Chính phủ Việt Nam, phía Việt Nam đề nghị phía Campuchia dành 15 suất học bổng đào tạo cán bộ ngân hàng Campuchia và ưu tiên một số học bổng cho các tỉnh thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Để đảm bảo uy tín và chất lượng đào tạo đại học, hai Bộ hợp tác thực hiện Thỏa thuận tương đương văn bằng giữa hai Bộ (ký ngày 15/5/2009 tại Hà Nội).
Năm 2013, chương trình học bổng CLMV mà Chính phủ Việt Nam dành cho Campuchia, Lào, Myanmar đã hoàn thành giai đoạn 1 (2008 - 2013). Phía Campuchia đang sớm đánh giá việc thực hiện chương trình này và có kiến nghị, đề xuất cho thời gian tiếp theo.
Phía Campuchia ủng hộ phía Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình phát triển và tập huấn tiếng Việt cho giáo viên trong cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trao đổi với Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đổi mới công tác tuyển chọn lưu học sinh, như: Ưu tiên các LHS có kết quả cao trong kỳ thi đại học hàng năm tại Campuchia; Đào tạo tiếng Việt từ 3 - 4 tháng cho LHS trước khi sang học dự bị tại Việt Nam; Gửi danh sách LHS Campuchia sang trước ngày 1/8 hằng năm để các cơ sở giáo dục Việt Nam chủ động bố trí kế hoạch và chương trình đào tạo. |
Phương Đông
TIN LIÊN QUAN |
---|