Hợp tác doanh nghiệp - nhà trường: Nỗ lực hướng về người học

GD&TĐ - Tổ chức Kiểm định Hoa Kỳ ABET định nghĩa chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là những gì SV tốt nghiệp có thể làm được sau khi ra trường vài năm.

Khóa đào tạo về khí nén và điện khí nén của Công ty SMC cho GV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.
Khóa đào tạo về khí nén và điện khí nén của Công ty SMC cho GV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), điều đó có nghĩa để một SV sau khi ra trường hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại doanh nghiệp (DN) đang công tác cũng cần quá trình đào tạo, rèn luyện của đơn vị trước và sau khi tuyển dụng. Để làm được điều này, không thể thiếu hợp tác DN với cơ sở giáo dục đại học.

- Các DN thường đòi hỏi người lao động phải làm việc ngay sau khi tuyển dụng; hay phàn nàn về chất lượng nguồn nhân lực, nhưng trên thực tế, số DN hỗ trợ, tạo điều kiện cho SV trong quá trình thực tập rất ít. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ này?

- Trong thời kỳ hội nhập và mở cửa tự do trong khu vực Đông Nam Á về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sự di chuyển tự do của thị trường lao động, nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất với sự phát triển của DN. Nhìn từ góc độ chất lượng nguồn nhân lực, sự gắn kết giữa nhà trường và DN trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trên khía cạnh lợi ích cho nhà trường, DN và người học, tôi mong muốn có sự gắn kết giữa nhà trường và DN.

Trước hết, nhà trường cần được DN tư vấn về việc sửa đổi và xây dựng chương trình đào tạo, góp phần nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho người học. Trao đổi các thông tin về khoa học, công nghệ tiên tiến và nhu cầu về nguồn nhân lực trong thời điểm hiện tại và tương lai. 

Nhà trường muốn nâng cao chất lượng đào tạo thông qua công bố chuẩn đầu ra (Learning Outcome) của SV tốt nghiệp của mỗi chương trình đào tạo - là kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học đạt được khi tốt nghiệp.

Muốn vậy, việc xây dựng chuẩn đầu ra cần có sự tham gia của các bên liên quan: Người học, cựu sinh viên, giảng viên, DN, nhà tuyển dụng. Ngoài ra, nhà trường tìm đầu ra phong phú cho người học, cũng nâng cao uy tín của học hiệu, đáp ứng sự thay đổi của bối cảnh xã hội và tầm nhìn của nhà trường. 

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

- Hầu hết các DN chưa có kế hoạch dài hạn về nhân sự nên các cơ sở giáo dục và đào tạo vẫn là nơi để DN tìm đến phỏng vấn tuyển dụng SV thay vì có đơn đặt hàng cụ thể?

- Những DN có chiến lược về mặt nhân sự đều chủ động kết nối với các trường ĐH trong đào tạo. Việc DN tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường là hình thức đầu tư phát triển. DN có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại.

Từ năm 2014, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) triển khai thực hiện đồ án tốt nghiệp dưới dạng Capstone Project cho SV thuộc chương trình tiên tiến. SV làm Capstone Project phải thực hiện đề tài trong thời gian 5 tháng tại DN dưới sự hướng dẫn của hội đồng gồm giảng viên của trường và các chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm của DN.

Đề tài Capstone Project là vấn đề DN đang quan tâm nghiên cứu và được hội đồng hướng dẫn định hướng về nội dung để vừa đáp ứng yêu cầu về tính học thuật và khả năng áp dụng thực tiễn của đề tài. Với cách thực hiện này, giảng viên cũng có cơ hội tiếp cận, cập nhật những công nghệ, thực tiễn tại DN sản xuất.

Nhờ chú trọng quan hệ với các DN, tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Intel, Microsoft, Nokia, JFE, Texas Instrument, Toyota, Renesas, Sinko Technos, Mitsubishi Electric Vietnam, Dossan, Bosch Việt Nam, Viettel, eSilicon, FPT, Ô tô Chu Lai Trường Hải …, Trường ĐH Bách khoa đã nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, học bổng, các cuộc thi SV nghiên cứu khoa học cũng như cơ hội thực tập, làm đồ án tốt nghiệp và cơ hội việc làm cho SV tại các DN tập đoàn đầu ngành này.

Một số DN trực tiếp đặt hàng với nhà trường trong công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực, kế hoạch tuyển dụng từng giai đoạn phát triển của DN như: Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải THACO, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tập đoàn Intel, Công ty DooSan Vina, Công ty FPT… 

- Các DN được hưởng lợi gì khi hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học, thưa ông?

- Hợp tác toàn diện với DN theo nguyên tắc win - win (hai bên cùng có lợi) là xu hướng được nhiều cơ sở giáo dục đại học tiếp cận: Thiết bị đào tạo được miễn thuế, công ty có thể sử dụng để huấn luyện cho nhân viên và đại lý. Thời gian còn lại, SV của trường được thực hành trên các hệ thống thiết bị công nghiệp mới nhất nên tự tin khi ra làm ở các công ty. 

DN sẽ có đội ngũ nhân lực chất lượng cao vững chắc hỗ trợ phát triển theo kế hoạch. DN sớm tiếp nhận những thông tin về khoa học, công nghệ từ các nhà khoa học và có thể đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của đơn vị.

Đồng thời, DN được hưởng lợi khi tham gia vào công tác đào tạo, giúp rút ngắn tối đa khoảng cách giữa người học tốt nghiệp với thực tế DN mình; từ khâu thiết kế chương trình đến triển khai và cập nhật chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ thực tập và hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho nhà trường và tham gia giảng dạy vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư, phát triển bước đầu.

- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Việc tham gia của DN trong suốt quá trình đào tạo thể hiện ở các thông tin về công nghệ, nhu cầu mới của DN được cung cấp cho giảng viên, SV nhà trường qua các buổi seminar, hội thảo. Đó cũng là các đợt thực tập của SV tại chính DN. Tại đây, bên cạnh kiến thức thực tế, SV còn có điều kiện trải nghiệm, hiểu thêm về cuộc sống nghề nghiệp, văn hóa của DN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ