Một nhóm nghiên cứu phát hiện hóa thạch hộp sọ voi ma mút hiếm gặp ở Vườn quốc gia Quần đảo Channel, ngoài bờ biển Nam California, Mỹ, Nature World News hôm 19/9 đưa tin.
Dựa vào mẩu than nằm cạnh mẫu vật, các nhà khoa học suy đoán hộp sọ có niên đại khoảng 13.000 năm, cùng độ tuổi với xương người đàn ông Arlington, bộ xương người lâu đời nhất được tìm thấy ở Bắc Mỹ.
"Đây là một trong những hộp sọ voi ma mút nguyên vẹn nhất tôi từng thấy. Phát hiện này rất hiếm gặp và có ý nghĩa khoa học lớn. Nó chứng tỏ loài voi ma mút xuất hiện trên đảo Channel gần như cùng lúc với con người", Justin Wilkin, nhà cổ sinh vật học ở bảo tàng The Mammoth Site, Mỹ, cho biết.
Điều khiến các nhà khoa học chú ý là hộp sọ này nhỏ hơn sọ loài voi ma mút Columbia nhưng lớn hơn nhiều so với sọ loài voi ma mút lùn. Do đó, có giả thuyết cho rằng đây là hộp sọ của cá thể chuyển tiếp giữa hai loài.
Voi ma mút Columbia có chiều cao trung bình khoảng 4,2 m, di cư tới đảo Channel trong hai kỷ băng hà trước đây, khi mực nước biển xuống thấp. Sau khi sinh sống trên đảo, chúng tiến hóa thành loài nhỏ hơn, cao 1,8 m và gọi là voi ma mút lùn.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, quá trình thu nhỏ kích cỡ từ loài voi ma mút Columbia thành loài voi ma mút lùn chỉ diễn ra trong khoảng vài nghìn năm.
Do khoảng thời gian xuất hiện giữa hai loài khá ngắn nên Dan Muhs, nhà địa chất của Cục Khảo sát Địa chất hoa Kỳ (USGS) nhận định, hộp sọ mới tìm thấy khó có thể là của một cá thể chuyển tiếp mới. Thay vào đó, ông cho rằng có ít nhất hai cuộc di cư của loài voi ma mút Columbia tới đảo Channel.
"Cuộc di cư đầu tiên có thể xảy ra ở thời kỳ sông băng, cách đây khoảng 150.000 năm. Cuộc di cư thứ hai diễn ra trong kỷ băng hà gần đây nhất, khoảng 10.000 - 30.000 năm trước", Dan Muhs nhận xét.
Theo kế hoạch, hộp sọ voi ma mút cùng với các bộ phận khác sẽ được chuyển đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Santa Barbara. Tại đây, chúng sẽ được làm sạch, bảo quản, nghiên cứu và chuẩn bị để trưng bày trước công chúng.