Dự buổi họp mặt có PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng đại diện lãnh đạo các địa phương khu vực Trung Nam Bộ.
Những hồi ức không thể nào quên
Buổi họp mặt do Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cùng Ban Liên lạc Giáo dục kháng chiến phối hợp tổ chức nhằm tri ân những cán bộ, giáo viên đã từng cầm bút và cầm súng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ là những người dạy học không lương, cuộc sống thường ngày do dân nuôi, là những nhân chứng sống - những người thầy của các thế hệ nhà giáo trong kháng chiến và thời kỳ đổi mới.
Tại buổi họp mặt, các nhà giáo đã chia sẻ những cảm xúc gặp lại đồng chí, đồng nghiệp sau 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là niềm vui và niềm vinh dự, tự hào về những đóng góp của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển ngành giáo dục nước nhà.
Những ngày tháng lịch sử ấy sẽ mãi mãi là hồi ức không thể nào quên, là niềm tự hào, động lực cổ vũ các nhà giáo tiếp tục cống hiến cho quê hương đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Tình đồng đội, đồng nghiệp thắm nồng hơn khi tất cả cán bộ, giáo viên khu 8 nghiêm trang mặc niệm, lắng đọng lòng mình với những bài thơ viết để tặng riêng cho đồng đội - những người đã xếp áo thư sinh, mang bút nghiên đi vào khu kháng chiến rồi nằm lại ở đó. Được biết, trong số 950 cán bộ, giáo viên khu 8, có 257 người đã hy sinh…
Trong chiến tranh, một hệ thống giáo dục cách mạng được hình thành và không ngừng phát triển ở những vùng tự do, vùng giải phóng và cả vùng tạm chiếm.
Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy cam go và thử thách, thế nhưng giáo dục khu 8 vẫn tiếp tục duy trì và phát triển, phục vụ đắc lực cho cách mạng.
Giải phóng đến đâu, trường được dựng lên đến đó. Năm 1960 - 1961, từ khi cuộc Đồng Khởi nổ ra, ở Trung Nam Bộ, vùng giải phóng được mở rộng, mạng lưới trường lớp đa dạng hơn: Trường trong dân cư, trường trong nhà dân, trường trong công sự, trường dưới hầm địa đạo với tinh thần “Cách mạng bám dân, thầy bám trường, học sinh bám lớp”.
Năm 1962, toàn khu 8 có gần 2.000 lớp học với 70.000 học sinh. Từ năm 1965 - 1973, khu 8 được chi viện giáo viên từ miền Bắc vào nên chất lượng giáo dục càng được nâng lên. Các lớp phổ thông, các lớp xóa mù chữ, bổ túc văn hóa được mở nhiều hơn, thu hút đông đảo chiến sĩ, cán bộ, quần chúng nhân dân tham gia...
Truyền lửa tinh thần tiến công cách mạng, vượt khó làm tròn sứ mệnh trồng người
Phát biểu tại buổi họp mặt, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã gửi lời tri ân đến các thầy cô, những người đã cống hiến tuổi thanh xuân, đã đặt nền móng của nền giáo dục miền Nam Trung Bộ trong thời kỳ cam go nhất, khó khăn nhất.
Đóng góp của các thầy cô giáo cho ngành Giáo dục đã hòa chung với hào khí dân tộc để làm nên chiến thắng lịch sử trong công cuộc chống giặc ngoại xâm...
Họp mặt truyền thống là dịp để các cán bộ, giáo viên đã từng cầm bút và cầm súng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại khu 8 cùng ôn lại những kỷ niệm một thời chiến tranh gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng rất đỗi hào hùng và để tưởng nhớ đến những đồng nghiệp, đồng đội đã đi xa...
Quan trọng hơn nữa, mỗi kỳ họp mặt, các nhà giáo lão thành cách mạng tiếp tục truyền lửa cho thế hệ nhà giáo hiện tại tinh thần tiến công cách mạng, vượt lên mọi khó khăn gian khổ để làm tròn sứ mệnh trồng người...
Được biết, Họp mặt truyền thống Giáo dục kháng chiến Khu Trung Nam Bộ lần thứ XIV năm 2016 sẽ được tổ chức tại tỉnh An Giang.