Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023

GD&TĐ - Chiều 5/8, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ.

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 được tổ chức ngày 05/8/2023 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 được tổ chức ngày 05/8/2023 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Mở đầu buổi họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tập trung đánh giá, thảo luận về tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh nước ta đã đi qua tháng đầu tiên của quý III với tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tăng trưởng toàn cầu thấp; cầu tiêu dùng yếu; hàng rào bảo hộ gia tăng; nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ; xuất hiện những thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất kể từ tháng 4/2023... Ở trong nước, mặc dù có những cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố hạn chế, bất lợi từ cả bên trong và bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, tập trung vào nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, phiên họp quan trọng về đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, các công trình, dự án quan trọng quốc gia...

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Trong điều kiện rất nhiều khó khăn, song nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành khoa học, quyết liệt, chủ động và linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, DN, bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng tiếp tục duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng; tháng 7 tốt hơn so tháng 6 và cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là:

- Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần; chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 3,12%. Thu NSNN 7 tháng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại; trong 7 tháng xuất khẩu đạt 195,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 178,9 tỷ USD; xuất siêu 16,5 tỷ USD.

- Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt. Nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng; xuất khẩu gạo 7 tháng tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá. Sản lượng thủy sản tháng 7 tăng 2,6%, 7 tháng tăng 1,9%. Xuất khẩu nông sản tháng 7 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; 7 tháng đạt hơn 29 tỷ USD; riêng rau củ quả đã xuất khẩu 3,2 tỷ USD. Công nghiệp tiếp đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tăng trưởng tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tăng 1,1% so tháng trước và tăng 7,1% so cùng kỳ, 7 tháng tăng 10,4%; khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so cùng kỳ; 7 tháng đạt gần 6,6 triệu lượt khách, gấp 6,9 lần so cùng kỳ.

- Vốn đầu tư đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch, tăng 3,38% về tỷ lệ và tăng 80,78 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối. Tổng vốn FDI đăng ký tháng 7 đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước, 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5%; Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

- Tình hình phát triển DN tích cực hơn. Tháng 7 có 13.700 DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số DN và tăng 2,4% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng có 131.900 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 113.300 DN.

- Tổ chức tốt các hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, triển khai thực hiện đồng bộ. Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế là điểm sáng; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam. Việt Nam tăng 4 bậc về Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2023.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin tới báo chí tại họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin tới báo chí tại họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là: (1) Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; (2) Thu NSNN 7 tháng giảm so cùng kỳ; tỉ lệ nợ xấu nội bảng cao, hấp thụ vốn yếu, tiếp cận vốn còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng thấp; (3) Điều hành chính sách tiền tệ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; (4) Khu vực DN tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm; (5) Cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm; (6) Công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm; (7) Đời sống một bộ phận người dân khó khăn; (8) Biến đổi khí hậu, thiên tai, nhất là sạt lở đất tiếp tục diễn biến phức tạp; (9) An ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ...

Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: Kiên định kiên trì, tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, bội chi. Đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; đẩy mạnh công tác đối ngoại.

Trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho SXKD, tạo sinh kế cho người dân, DN, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại. Trong đó lưu ý: (1) Đảm bảo và cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá. (2) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhất là 3 động lực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. (3) Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hạ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, tăng tín dụng và tăng cung tiền phù hợp. (4) Chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đầu tư công. (5) Đảm bảo an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia. (6) Rút ngắn quy trình, thủ tục, xây dựng thể chế cũng như các văn bản quy định pháp luật.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương:

- Tổ chức triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng; Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; các Nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt chú trọng đảm bảo chất lượng, tiến độ các Tờ trình, báo cáo, tài liệu trình Hội nghị Trung ương 8 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

- Chú trọng xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, DN. Đẩy mạnh triển khai các Nghị quyết phát triển vùng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng. Phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ; yêu cầu các Bộ, cơ quan tiếp tục chủ động, tích cực rà soát các kiến nghị của địa phương, phối hợp để trả lời kịp thời; đặc biệt là tập trung về nhà ở xã hội, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

- Bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch; cơ bản hoàn thành việc ban hành các quy hoạch trong năm 2023, nhất là quy hoạch 5 vùng KTXH còn lại. Tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài.

- Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN. Quyết liệt chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai Đề án 06.

- Chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, trong đó: có giải pháp hiệu quả về lao động, việc làm; sớm đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động; chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới; có giải pháp đối với tình trạng giáo viên công lập nghỉ việc; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn...

- Tăng cường dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về hạn hán, xâm nhập mặn, bão, mưa lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.

- Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động, sự kiện đối ngoại cấp cao; tăng cường quan hệ song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương.

- Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, kết quả KTXH để góp phần củng cố niềm tin và tạo đồng thuận xã hội; tập trung đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả với thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch; xử lý nghiêm các vi phạm.

Từ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Theo Báo Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.