Họp báo Chính phủ tháng 4/2020: Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Họp báo Chính phủ tháng 4/2020: Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Chiều tối 5/5, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và trong điều kiện vẫn bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch Covid-19. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tham dự buổi họp báo.

Quyền tự chủ của các trường đại học

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận được một số câu hỏi về tuyển sinh đại học năm 2020 và vấn đề phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi học sinh quay trở lại trường để học tập.

Theo Thứ trưởng, thực hiện Luật Giáo dục đại học 2012 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), các trường đại học đã thực hiện quyền tự chủ. Các trường đại học được tự quyết định phương án tuyển sinh.

Thứ trưởng thông tin thêm: Năm 2017, có 81,50% số sinh viên được tuyển vào thông qua kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Năm 2018 con số này là 73,6% và đến năm 2019 là 62,2%.

Tỷ lệ các trường tự chủ phương án tuyển sinh khá nhiều. Trong đó, số lượng các trường sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh giảm dần theo các năm. Năm nay, có thể một số trường sẽ sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ tuyển sinh.

Bên cạnh đó, một số trường có sử dụng kết quả học tập của học sinh thông qua học bạ để xét tuyển. Một số trường thông qua kỳ thi chuẩn hóa quốc tế hoặc chứng chỉ quốc tế. Có trường thì thi năng khiếu, phỏng vấn hoặc thi đánh giá năng lực riêng.

“Như vậy, việc tổ chức tuyển sinh do các trường đại học quyết định, tự lựa chọn phương án phù hợp cho trường mình” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ  cho biết - “Vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng mà sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển. Đây cũng là phương án phù hợp”.

Theo Thứ trưởng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm đánh giá kết quả học tập 12 năm của học sinh và làm căn cứ để xét tốt nghiệp cho các em. Đồng thời làm căn cứ để đánh giá chất lượng dạy - học của cơ sở giáo dục. Qua đó, điều chỉnh công tác quản lý giáo dục của các địa phương cho phù hợp.

Thông tin về đề thi năm nay, Thứ trưởng cho biết: Theo tinh thần chương trình đã được tinh giản thì đề thi sẽ giảm độ khó, nhưng vẫn có độ phân hóa để phân loại học sinh trung bình, khá, giỏi. Trên cơ sở đó, các trường đại học có thể làm căn cứ để tuyển sinh. Điều đó thuộc thẩm quyền tự chủ của các trường.

Họp báo Chính phủ tháng 4/2020: Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giải đáp nhiều vấn đề “nóng” ảnh 1
Toàn cảnh buổi họp báo

Không có tiêu chí nào về việc đeo tấm kính chắn giọt bắn

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc học sinh đi học trở lại phải đeo khẩu trang, che tấm chắn, lớp học không bật điều hòa, khiến phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay: Đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành phố có học sinh đi học trở lại; chủ yếu là học sinh THCS, THPT (khối lớp 9 và khối lớp 12 là chủ yếu).

Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ học sinh đi học rất cao. Đối với bậc THPT là 99%, THCS là 97%. Điều này cho thấy, tỷ lệ học sinh đến lớp rất tốt.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT rất rõ: Đã đi học phải bảo đảm an toàn. Vấn đề an toàn là phải căn cứ vào cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế để đánh giá. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH để hướng dẫn về bảo đảm an toàn.

Dựa trên ý kiến và khuyến cáo của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản với 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong trường học. Trong đó có các tiêu chí cứng như: Giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, có nước rửa tay, khử khuẩn, không tổ chức các hoạt động tập thể…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, không có tiêu chí nào về việc đeo tấm kính chắn giọt bắn và cũng không có hướng dẫn nào phải đeo tấm chắn này. 

Đây là sự sáng tạo của các địa phương. Các địa phương nên làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chuyên môn để bảo đảm an toàn sức khỏe của nhân dân nói chung và học sinh nói riêng. 

Nếu ngành Y tế có khuyến cáo đeo tấm chắn giọt bắn thì nên làm, còn chưa có thì các địa phương cân nhắc để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ