Hỗn loạn còn tiếp diễn?

GD&TĐ - Sức nóng phản đối trên chính trường đã lan rộng ra đường phố khi nhiều người Pháp xuống đường biểu tình để phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nước Pháp đang trải qua những ngày căng thẳng từ chính trường lan ra đường phố, khi nhiều người xuống đường đốt phá để phản đối chính sách tăng tuổi nghỉ hưu do chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra.

Làn sóng phản đối dự luật hiện chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi các công đoàn cùng các đảng đối lập không thể hiện bất cứ dấu hiệu nào về việc lùi bước. Các cuộc biểu tình được lên kế hoạch sẽ đẩy mạnh hơn nữa để buộc chính phủ thu hồi lại quyết định nâng tuổi nghỉ hưu của mình. Ngày đình công và biểu tình thứ 9 trên toàn quốc được lên kế hoạch vào ngày 23/3 tới.

Chính phủ Pháp cho biết quyết định tăng tuổi hưu là cần thiết để đảm bảo hệ thống lương hưu của nước này không lâm vào khủng hoảng trong bối cảnh dân số già hóa.

Nhưng nhiều người dân và các đảng đối lập thì không đồng quan điểm như vậy. Hai đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu (RN) và nhóm đại diện cho các đảng nhỏ LIOT do đó kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm cho dự luật tăng tuổi nghỉ hưu này tại Quốc hội vào ngày 20/3.

Tuy nhiên, dự luật của Chính phủ Pháp đều vượt qua hai cửa ải trên. Trong đó, kiến nghị bất tín nhiệm do Đảng RN đệ trình thất bại khi chỉ thu được 94 phiếu ủng hộ. Còn thất bại trong kiến nghị của LIOT sát sao hơn khi có tới 278 nghị sĩ ủng hộ, chỉ thiếu 9 phiếu so với con số 287 cần thiết để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công.

Những cuộc bỏ phiếu bất thành nói trên giúp chính phủ của Tổng thống Macron giải tỏa một số áp lực, nhưng không có nghĩa làn sóng phản đối với dự luật tăng tuổi nghỉ hưu đã kết thúc.

Các đảng đối lập cho biết sẽ tìm cách phản đối dự luật này tại Hội đồng Hiến pháp, cơ quan có quyền quyết định bãi bỏ một số hoặc toàn bộ dự luật tại Pháp nếu chứng minh được nó vi phạm Hiến pháp.

Sức nóng phản đối trên chính trường cũng lan rộng ra đường phố khi nhiều người Pháp xuống đường biểu tình liên tục để phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Ngay khi dự luật cải cách tuổi nghỉ hưu được thông qua hôm 16/3 vừa qua, một cuộc biểu tình tự phát và không có kế hoạch của khoảng 7.000 người đã diễn ra tại Paris, buộc cảnh sát phải sử dụng tới hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông.

Tới ngày 17/3, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và cảnh sát buộc phải dùng các biện pháp cứng rắn để ứng phó. Căng thẳng dâng cao vào tối 20/3, khi người biểu tình tại Paris đốt các đống rác không được thu gom trong nhiều ngày do các công nhân dọn vệ sinh đình công, khiến các nhân viên cứu hỏa phải vào cuộc.

Tại thành phố phía Tây Nam Bordeaux, khoảng 200 - 300 người, chủ yếu là thanh niên, cũng tham gia phản đối cải cách tuổi nghỉ hưu và kêu gọi Tổng thống Macron từ chức.

Điều này đồng nghĩa bầu không khí bất ổn do dự luật nâng tuổi nghỉ hưu tại Pháp sẽ còn tiếp diễn. Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã vượt qua các cửa ải quan trọng để thực thi chính sách về tuổi nghỉ hưu của mình, nhưng giới phân tích cho rằng, làn sóng phản đối lan rộng của người dân và các đảng đối lập sẽ làm suy yếu khả năng lãnh đạo của ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ