Cải cách hưu trí ở Pháp: Chính phủ và công đoàn không ngừng công kích nhau

Cải cách hưu trí ở Pháp: Chính phủ và công đoàn không ngừng công kích nhau

Mâu thuẫn giữa chính phủ và công đoàn

Quốc vụ khanh phụ trách Giao thông Vận tải Pháp, ông Jean-Baptiste Djebbari đã cáo buộc Liên đoàn Lao động nước này (CGT) “phản đối có hệ thống đối với bất kỳ cải cách nào”. Trong khi đó, người đứng đầu CGT, ông Philippe Martinez đã buộc tội chính phủ gây ra “sự hỗn loạn” trong cuộc xung đột trên.

Cuộc đình công tại Pháp đã kéo dài 25 ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại, vượt qua cuộc đình công dài nhất của nước này với 28 ngày vào năm 1986 - đầu năm 1987. Ngoài hai tuyến tàu không có người lái, dịch vụ tàu điện ngầm Paris một lần nữa gần như ngừng hoạt động vào ngày 29/12. Bên cạnh đó, chỉ có một bộ phận tàu cao tốc TGV hoạt động bình thường.

Chính phủ Pháp và các nghiệp đoàn nước này được cho là sẽ tổ chức những cuộc hội đàm tiếp theo vào ngày 7/1/2020 - chỉ hai ngày trước khi một cuộc biểu tình mới chống lại cải cách của Tổng thống

Emmanuel Macron dự kiến được tổ chức.

Trong một cuộc phỏng vấn trên báo Journal de Dimanche, Quốc vụ khanh phụ trách Giao thông Vận tải Pháp Djebbari đã giận dữ lên án CGT về “thái độ đe dọa, quấy rối và thậm chí gây hấn” đối với các công nhân đường sắt, buộc những người này phải tham gia vào cuộc đình công. “CGT muốn tạo dấu ấn thông qua các phương tiện truyền thông. Nhưng, người Pháp sẽ không bị đánh lừa bởi bước đi chính trị này”, ông Djebbari nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với cùng tờ báo, người đứng đầu CGT - ông Martinez đã cáo buộc chính phủ nước này đang khiến cuộc xung đột ngày càng tồi tệ hơn. “Emmanuel Macron muốn đóng vai nhân vật của một thế giới mới nhưng ông ta chỉ đang bắt chước Margaret Thatcher”, ông Martinez nói.

Người đứng đầu CGT cũng nói thêm: “Sự tức giận thực sự đã xảy ra. Tất nhiên, việc không được trả lương trong 24 ngày là một điều khó khăn. Tuy nhiên, cuộc xung đột này là kết quả của 2,5 năm chịu đựng”.

Ông Martinez cũng khẳng định đang chờ đợi sự nhượng bộ từ phía Tổng thống Macron, trong bối cảnh năm mới đang đến gần, đồng thời cũng công nhận: “Hầu hết mọi người đều không vui và Tổng thống đã sai”.

Mong chờ sự nhượng bộ

Hôm 28/12, hơn 10.000 người đã biểu tình trên khắp nước Pháp nhằm chống cải cách chế độ hưu trí, đặc biệt tại Paris và các khu vực lân cận. Trước tình trạng cuộc đình công kéo dài, Tổng thống Pháp hầu như không đưa ra bất cứ bình luận nào và chỉ kêu gọi hữu chiến vào dịp Giáng sinh, cũng như tuyên bố sẽ không nhận trợ cấp Tổng thống (khoản tiền lên tới 6.500 euro/tháng).

Động thái này được cho là đã làm tăng sự chú ý vào ngày 31/12/2019, khi tất cả người dân nước này đang mong chờ câu trả lời về việc, liệu ông Macron có đưa ra bất cứ bước đi nào nhằm xoa dịu cuộc xung đột hay không, hay liệu Tổng thống Pháp đã sẵn sàng cho một cuộc đình công lâu dài. Theo đó, Tổng thống Macron đã giải tỏa tình hình bế tắc hiện nay bằng cách đưa ra một sáng kiến trong bài diễn văn truyền thống ngày 31/12.

Các nghiệp đoàn cải cách CFDT, CFTC, Unsa, yêu cầu chính phủ rút điều khoản về mức tuổi 64, người về hưu mới được quyền hưởng đầy đủ lương hưu cơ bản. Liên minh các nghiệp đoàn CGT, FO, Solidaires, CFE-CGC và FSU kêu gọi chính phủ rút hoàn toàn dự luật.

Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng mừng đối với người dân Pháp đã xuất hiện, khi chính phủ nước này đã có sự nhượng bộ trước các vũ công tại Nhà hát Opera Paris - những người đã đình công để bảo vệ quyền lợi của họ.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe từng khẳng định có lập trường kiên định thực thi kế hoạch cải cách hưu trí, nhưng luôn chào đón các đề xuất sửa đổi hợp lý. Người đứng đầu chính phủ cũng nêu khả năng đạt thỏa hiệp xung quanh “bốn chủ đề”', do phía các công đoàn nêu ra, trong đó có chủ đề “'mức độ nặng nhọc'” và “các chế độ đặc biệt”.

Sau các cuộc đàm phán với chính phủ, hồi tuần trước, Liên minh các nghiệp đoàn lao động của nước này cũng đã tuyên bố sẽ hủy bỏ các phong trào biểu tình được dự kiến diễn ra vào ngày 3/1/2020. Trước bối cảnh này, nhiều người nhận định, dịch vụ tàu điện ngầm ở Paris sẽ có khả năng được cải thiện, dù vẫn bị gián đoạn nghiêm trọng với hai tuyến đóng cửa và 12 tuyến chỉ cung cấp dịch vụ ở một số bộ phận.

Ngày 11/12 vừa qua, Thủ tướng Philippe đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí theo hướng “có sự nhượng bộ” với phía nghiệp đoàn. Cụ thể, hệ thống lương hưu phức tạp hiện hành gồm hơn 42 mức khác nhau sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm. Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước. Hệ thống mới cũng giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm. Thủ tướng Philippe khẳng định lao động nữ sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống lương hưu mới. Ông cũng nhấn mạnh rằng cải cách là nhằm tạo sự công bằng cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt phía nghiệp đoàn chưa hài lòng là việc hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công). Ngoài ra, phía nghiệp đoàn cũng không đồng tình kế hoạch kéo dài tuổi lao động của chính phủ.

Trước những phản đối, chính phủ Pháp khẳng định những điều chỉnh sẽ tạo nên một hệ thống hưu trí công bằng hơn và giúp xóa bỏ mức thâm hụt hệ thống lương hưu, dự đoán lên tới 17 tỷ euro (19 tỷ USD) vào năm 2025.

Ngày 11/12 vừa qua, Thủ tướng Philippe đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí theo hướng “có sự nhượng bộ” với phía nghiệp đoàn. Cụ thể, hệ thống lương hưu phức tạp hiện hành gồm hơn 42 mức khác nhau sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm. Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước. Hệ thống mới cũng giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ