Núi Ngọc - biểu tượng thiêng liêng
Hình ảnh núi Ngọc đã được chọn làm ảnh bìa của cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường, với ý nghĩa nhắc nhớ về vai trò, vị trí, và tầm quan trọng của ngọn núi.
Theo lịch sử làng Quần Tín, xã Thọ Cường ghi chép, núi Ngọc là địa điểm dừng chân của nghĩa quân Lam Sơn do Chủ tướng Lê Lợi dẫn đầu. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh, vua Lê Lợi đã sắc phong và đặt tên làng cạnh núi Ngọc là làng Quần Tín (nơi hội tụ của niềm tin) vào ngày 10 tháng Giêng. Từ đó, hằng năm, dân làng lấy ngày này làm ngày hội truyền thống của làng và làm lễ rước kiệu từ giếng Tiên lên núi Ngọc.
Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường” có đoạn trích “Núi Ngàn Nưa là nơi Bà Triệu luyện binh khởi nghĩa, có huyệt đạo Quốc gia linh thiêng; núi Ngọc của xã Thọ Cường là một nơi đầy huyền bí với bao huyền thoại về Bà Triệu, Lê Lợi, từng là địa điểm dã ngoại, huấn luyện tân binh của bộ đội thời chống Mỹ…”.
Khi biết núi Ngọc sắp bị “xóa sổ”, người dân, nhiều nguyên cán bộ, lãnh đạo xã Thọ Cường đã lên tiếng phản ứng, gửi tâm thư đến lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Khắc Kháng (82 tuổi), cán bộ quân đội về hưu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường chia sẻ: “Làng Quần Tín và núi Ngọc được nhắc đến nhiều trong truyền thuyết, đồng thời trước đây là nơi sinh hoạt, họp chợ, huấn luyện quân sĩ từ thời Lê Lợi rồi đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Do đó, núi Ngọc có giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự và đã đi vào máu thịt, trở thành “hồn cốt” của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Thọ Cường. Dưới chân núi Ngọc là nghĩa trang tâm linh của 4 thôn trong xã, Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ và toàn thể Nhân dân trong xã đã nhiều lần có đơn thư gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị không coi núi Ngọc là mỏ đất để san lấp mà coi đó là di chứng lịch sử để lại cho đời con cháu mai sau”.
“Núi Ngọc là biểu tượng thiêng liêng, cần phải được bảo tồn và giữ gìn để cho muôn đời con cháu mai sau”, ông Phạm Khắc Độ (82 tuổi), thành viên Ban Biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường” nêu ý kiến.
Hai lần phải tạm dừng đấu giá
Ông Phạm Khắc Độ (82 tuổi) cho biết, núi Ngọc được lấy làm ảnh bìa của cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường". |
Ngày 31/10/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Thọ Cường với diện tích mỏ 5,8ha.
Trên cơ sở này, Sở TN&MT Thanh Hóa đã thực hiện các thủ tục liên quan để thực hiện đấu giá quyền khai thác.
Ngày 20/11/2023, Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú - Chi nhánh Thanh Hóa có thông báo đấu giá tài sản quyền khai thác khoáng sản mỏ đất trên với giá khởi điểm là 1.043.000.000 đồng. Thời gian tổ chức đấu giá vào hồi 8h ngày 28/12/2023.
Ngày 27/12/2023, UBND xã Thọ Cường đã có tờ trình gửi UBND huyện Triệu Sơn, đề nghị huyện này có ý kiến với UBND tỉnh Thanh Hóa tạm dừng đấu giá mỏ đất.
Ngay trong ngày 27/12/2023, Sở TN&MT Thanh Hóa đã có văn bản tạm dừng tổ chức phiên đấu giá.
Tưởng chừng chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tạm dừng đấu giá núi Ngọc để xem xét một cách thấu đáo ý kiến, và có trả lời sòng phẳng cho người dân, thì ngày 20/2/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất núi Ngọc.
Đến ngày 22/2, đơn vị tổ chức đấu giá thông báo nộp tiền đặt trước và tổ chức buổi công bố giá vào ngày 28/2. Đã có 4 doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Người dân tiếp tục làm đơn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị dừng việc tổ chức đấu giá. Ngày 25/2, một lần nữa đơn vị tổ chức đấu giá lại thông báo tạm dừng việc tổ chức phiên đấu giá cho đến khi có chỉ đạo mới của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng phòng TN&MT huyện Triệu Sơn cho biết, sau khi có ý kiến của người dân và UBND xã Thọ Cường, UBND huyện Triệu Sơn đã có 2 kiến nghị UBND tỉnh tạm dừng đấu giá mỏ, lần gần đây nhất là ngày 9/3.
Trưởng phòng TN&MT huyện Triệu Sơn cũng cho biết, núi Ngọc không phải là di tích lịch sử, không nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Địa danh núi Ngọc được nhắc đến trong lý lịch di tích lập năm 2012 là theo truyền thuyết kể lại. Tại cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường được xuất bản năm 2015, núi Ngọc được nhắc đến là biểu tượng, “hồn cốt” của Đảng bộ và Nhân dân xã Thọ Cường.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, đại diện Sở VHTT&DL; UBND xã Thọ Cường và đại diện Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã có ý kiến về nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân là chính đáng, cần được ưu tiên, xem xét kỹ lưỡng các yếu tố văn hóa, lịch sử.
Sở VHTT&DL Thanh Hóa cũng có ý kiến gửi Sở TN&MT về việc thống nhất không tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp tại núi Ngọc, xã Thọ Cường.
Trả lời Báo GD&TĐ, ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở TN&MT đã mời Sở VHTT&DL, Sở Xây dựng, huyện, xã làm việc. Sở VHTT&DL khẳng định không có di tích được xếp hạng nhưng ý kiến người dân như thế thì đề nghị Sở TN&MT báo cáo tỉnh.
Sở TN&MT sẽ đề xuất UBND tỉnh cho dừng hẳn việc thực hiện đấu giá. Đồng thời, giao Sở VHTT&DL phối hợp với huyện, xã làm việc cụ thể, nếu đủ điều kiện thì báo cáo UBND tỉnh đưa vào quy hoạch văn hóa.
Và nếu đủ điều kiện đưa vào quy hoạch văn hóa thì Sở TN&MT sẽ tham mưu cho tỉnh cấm hoặc tạm thời cấm khai thác khoáng sản. Nếu Sở VHTT&DL kiểm tra không thể đưa vào quy hoạch văn hóa được, thì sở này phải có ý kiến có cho khai thác nữa hay không.