Sơn La: Cưỡng chế thu hồi đất khu di tích Ngã 3 Cò Nòi

GD&TĐ - Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thi công Dự án khu di tích lịch sử Ngã 3 Cò Nòi, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức cưỡng chế di dời các hộ dân.

Toàn cảnh Dự án Khu di tích lịch sử Ngã 3 Cò Nòi.
Toàn cảnh Dự án Khu di tích lịch sử Ngã 3 Cò Nòi.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Thông tin từ UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết, sẽ tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất của một số hộ dân ở bản Cò Nòi để xây dựng Dự án Khu di tích lịch sử ngã 3 Cò Nòi thuộc xã Cò Nòi.

Thời gian qua, huyện Mai Sơn đã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi chấp hành bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Đến nay, 10/59 hộ chấp nhận bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chấp hành bàn giao mặt bằng. 49 hộ dân còn lại vẫn chưa nhất trí cho kiểm kê, kiểm đếm và bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

Bà Lò Thị Hôm, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi cho biết: “Gia đình tôi ở đây từ năm 2001, đến nay được hơn 22 năm. Nhà sàn tôi dựng trên đất nông nghiệp, chưa có thổ cư, vì trước đây ở dưới bản chật chội quá, không ở được nên mới giãn lên đây.

Khi nghe tin Nhà nước lấy đất tôn tạo khu đài tượng niệm, gia đình tôi hoàn toàn nhất trí và chấp hành. Huyện nói bố trí tái định cư cho người dân. Song chúng tôi sợ lấy xong đất rồi lại giao cho doanh nghiệp. Người dân đang sợ như thế nên chưa nhất trí cho kiểm đếm và di dời. Nếu Nhà nước thu hồi phục vụ công trình quốc gia thì chúng tôi sẽ chấp hành”.

Ngày 17/1/2019, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 147/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, Khu di tích lịch sử Ngã 3 Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn).

Dự án có tổng quy hoạch là hơn 10ha. Trong toàn bộ diện tích dự án được quy hoạch thành: Khu vực chủ đề tưởng niệm rộng hơn 53.315,47m2, khu công viên chứng tích 29.639,34m2, khu vực đất giao thông 22.170,84m2…

Dự án được chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1: UBND huyện Mai Sơn đã thực hiện xây dựng và khánh thành Khu tưởng niệm tâm linh thuộc Dự án Khu di tích lịch sử Ngã 3 Cò Nòi với diện tích 1ha (ngân sách tỉnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xã hội hoá khu tưởng niệm tâm linh: Đền chính, nhà bia, hạ tầng kỹ thuật). Giai đoạn 2, dự án thực hiện từ 2021 – 2023. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 60 tỷ đồng. Chủ đầu tư là UBND huyện Mai Sơn.

Ông Cầm Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi cho hay: “Dự án dành cho mục đích công cộng chứ không phải cho doanh nghiệp nào cả. Người dân hiểu như thế là sai. Năm 2022 đã thu hồi 1ha xây miếu đài tượng niệm thì liên quan đến 3 hộ dân. Còn khu dưới có quy hoạch của tỉnh Sơn La là hơn 10ha. Các ban, ngành, đoàn thể của xã và huyện… tuyên truyền, vận động qua hàng chục cuộc họp với người dân rồi nhưng đều không được”.

Theo ông Khoa thì tất cả các hộ dân ở khu vực đối diện với tượng đài Cò Nòi phải di dời. Theo Luật đất đai thì các hộ dân ở đây không phải khu dân cư. Người dân lên đây tự phát, làm nhà trên đất nông - lâm nghiệp...

“Trong thời gian tuyên truyền, giải đáp thắc mắc của người dân, xã đã nói rất rõ ràng về kế hoạch của dự án. Tuy nhiên, người dân không đồng ý đền bù theo khung giá Nhà nước. Họ muốn đền bù theo thoả thuận, giá cao hơn. Điều đó là không thể. Chính vì thế, bà con không tạo điều kiện cho huyện, xã vào đo đạc kiểm đếm”, Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi nói.

Giai đoạn 1, UBND huyện Mai Sơn đã xây dựng và khánh thành khu tưởng niệm tâm linh ở Ngã 3 Cò Nòi.

Giai đoạn 1, UBND huyện Mai Sơn đã xây dựng và khánh thành khu tưởng niệm tâm linh ở Ngã 3 Cò Nòi.

Sẽ tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất...

Ông Lê Duy Thanh, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn xác nhận: “Khu vực các hộ dân sinh sống nằm đối diện với tượng đài Cò Nòi chủ yếu là đất nông - lâm nghiệp. Sau khi giải phóng mặt bằng nâng cấp đường QL 6 vào năm 2004 – 2005, người dân thấy khu vực này rộng rãi, buôn bán thuận lợi nên mới di tản về ở đó kinh doanh buôn bán.

Thời điểm các hộ di cư ra khu vực này nhiều nhất là năm 2012. Thời điểm đó, xã Cò Nòi quản lý không chặt chẽ nên để xảy ra tình trạng người dân đổ ra mặt đường ở. Khu vực đó không phải đất ở, người dân cứ đòi đền bù theo kiểu đất ở nên không thể được”.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng và tái định cư huyện Mai Sơn cho biết: “Dự án Khu di tích lịch sử ngã 3 Cò Nòi do UBND huyện làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng.

Để triển khai thi công dự án, chúng tôi đã phối hợp với Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện triển khai công tác giải phóng mặt bằng từ tháng 6/2021. Sau hơn 2 năm thực hiện mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích thuộc phạm vi dự án do Trung ương Đoàn làm chủ đầu tư (diện tích khoảng 2,22 ha)”.

Theo ông Tiến, với phạm vi do huyện làm chủ đầu tư, đến nay người dân không phối hợp trong việc kiểm kê, kiểm đếm và đòi đền bù với giá cao hơn so với quy định của Nhà nước.

Một số biên bản làm việc giữa chính quyền địa phương và người dân ở bản Cò Nòi.

Một số biên bản làm việc giữa chính quyền địa phương và người dân ở bản Cò Nòi.

Khu vực dự kiến sẽ di dời.

Khu vực dự kiến sẽ di dời.

Các hộ dân sinh sống ở bản Cò Nòi nằm trong Dự án xây dựng Khu di tích lịch sử Ngã 3 Cò Nòi nhìn từ trên cao.

Các hộ dân sinh sống ở bản Cò Nòi nằm trong Dự án xây dựng Khu di tích lịch sử Ngã 3 Cò Nòi nhìn từ trên cao.

Qua việc thu thập các giấy tờ, tài liệu liên quan đến đất ở khu vực này thì toàn bộ diện tích đất các hộ dân đang sinh sống đối diện tượng đài xã Cò Nòi là đất nông - lâm nghiệp. Nhà ở của người dân cũng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, không đúng mục đích sử dụng đất.

“Các Phòng, Ban, đoàn thể đã vào cuộc. Ban Quản lý bản cũng tổ chức vài chục cuộc họp dân để tuyên truyền, vận động, song người dân vẫn chưa hiểu rõ bản chất. Do đó đã dẫn đến việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công công trình”, ông Tiến thông tin.

Theo ông Tiến, mục tiêu xây dựng Dự án Khu di tích lịch sử Ngã 3 Cò Nòi nhằm bảo tồn di sản văn hoá. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan, phát triển du lịch văn hoá tâm linh, kết nối các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Để bảo đảm tiến độ thi công đúng kế hoạch, ban sẽ tham mưu cho Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện, UBND huyện và lực lượng chức năng liên quan tính toán phương án cưỡng chế trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.