Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các Công ty Điện lực trực thuộc EVNNPC tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ của hoàn lưu bão số 3 đã huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục và xử lý nhanh sự cố, cấp điện trở lại cho các khu vực bảo đảm các điều kiện an toàn để góp phần ổn định đời sống và sinh hoạt của người dân.
Chỉ tính riêng trong ngày 23/7, EVNNPC và các đơn vị trực thuộc đã khắc phục thêm 82 TBA phân phối cấp điện cho gần 13.600 khách hàng, nâng tổng số TBA phân phối đã được khôi phục, cấp điện trở lại gần 300 trạm. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 23/7 vẫn còn còn khoảng 84.500 khách hàng tại các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An,... chưa được cấp điện trở lại. Nguyên nhân chính là do nước ngập và giao thông bị chia cắt nên các đơn vị điện lực chưa thể khôi phục sự cố và bảo đảm đủ các điều kiện an toàn để có thể cấp điện trở lại.
EVNNPC cho biết trong ngày 23/7, nước các sông tiếp tục dâng cao, như sông Bứa gây ngập các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Tam Nông, Hạ Hòa, Đoan Hùng (Phú Thọ); sông Đáy gây ngập một số TBA ven sông khu vực các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng (Hà Nam); sông Hoàng Long ở Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình). Để bảo an đảm toàn cho người và các thiết bị, điện lực các địa phương phải chủ động cắt điện những khu vực vẫn còn ngập sâu để ngăn ngừa sự cố, tai nạn do điện gây ra.
EVNNPC cho biết vẫn đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khi nước rút sẽ nhanh chóng xử lý sự cố, cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất có thể.
Trước đó, trong thông cáo phát đi ngày 23/7, EVNNPC cho biết tính đến hết ngày 22/7, đã khôi phục trên 200 trạm biến áp phân phối bị ảnh hưởng bởi mưa lũ của hoàn lưu bão số 3.
Cũng theo EVNNPC, thiên tai đã làm thiệt hại và ảnh hưởng đến một số công trình thủy điện do Tổng công ty làm chủ đầu tư. Tại Công ty Thủy điện Nậm Đông III, bị sạt đá gây vỡ nắp tấm đan và lấp 10m kênh phải dừng phát điện từ 10 giờ đến 23 giờ ngày 19/7 để dọn dẹp đất đá. Hiện nay, khu vực nhà máy đã vận hành an toàn ổn định; mưa lớn kéo dài làm xói mòn, mất lớp mặt đường, sạt lở đất taluy dương gây gián đoạn giao thông đường vào Nhà máy Thủy điện Sa Pa.
Hiện vị trí này vẫn tiếp tục sạt và nguy cơ sạt lở lớn bất cứ lúc nào, ước tính khối lượng đất, đá sạt lở của nhà máy là 1000m3. Số tiền thiệt hại để khắc phục ước tính gần 500 triệu đồng. Dự kiến thời gian khắc phục trong tháng 7/2018; Đường vào Thủy điện Sơ Vin (Sơn La) cũng bị sạt lở taluy dương vào sát khu vực trạm biến áp tăng áp, nhà máy đã tiến hành đào bớt đất đá để đảm bảo an toàn.