Hội nghị Khoa học lần thứ 14 với chủ đề “Khoa học và Công nghệ hướng tới tương lai xanh và thông minh” được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) khai mạc ngày 11/11.
Đây là sự kiện học thuật quan trọng được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, nhằm tạo cầu nối tri thức, xây dựng các đề án nghiên cứu có tính khả thi, phục vụ sự phát triển của nền khoa học nước nhà nói chung và của nhà trường nói riêng.
Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của nhiều giáo sư đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ tiên tiến, các đối tác trong và ngoài nước, cùng các đơn vị nghiên cứu của trường.
Hội nghị tập trung vào các chủ đề thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ: Toán - Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa chất học, Khoa học môi trường, Khoa học vật liệu, Hải dương học, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ môi trường, Điện tử - Viễn thông, Vật lý hạt nhân và Y khoa.
Điểm mới của hội nghị năm nay là có thêm lĩnh vực Công nghệ giáo dục và Khoa học tích hợp.
Chuỗi sự kiện hội nghị diễn ra từ ngày 11/11 đến 26/11, bao gồm 7 tiểu ban và 6 hội nghị quốc tế với 828 báo cáo khoa học từ các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Ngoài ra, sẽ có 3 sự kiện, hội nghị quốc tế khác được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp với các trường đại học khác tổ chức trước và sau chuỗi sự kiện này, với hơn 260 báo cáo khoa học.
Theo ban tổ chức, 3 điểm chính của chuỗi sự kiện trong Hội nghị khoa học lần thứ 14 gồm: Sự kết hợp liên ngành trong khoa học - công nghệ; Sự hợp tác trong khoa học – công nghệ giữa các nhóm nghiên cứu, trường, viện… trong và ngoài nước; Hội nhập quốc tế - với nhiều hội nghị khoa học quốc tế được tổ chức, góp phần gắn kết nhà khoa học và người học trong nước và quốc tế.
PGS.TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trưởng Ban tổ chức hội nghị cho biết, trong lần tổ chức thứ 14, chất lượng bài báo tham dự hội nghị được hội đồng cố vấn chuyên môn nhận xét rất tích cực.
"Có nhiều đề tài mới, có tính ứng dụng cao, đặc biệt là khả năng thương mại hóa với những đề tài có tính ứng dụng”, ông Triết cho biết.
Phiên toàn thể hội nghị diễn ra vào chiều cùng ngày. GS. TS Nguyễn Nhựt Tiến, Khoa Khoa học máy tính, University of Texas at Dallas (Mỹ) trình bày báo cáo với tựa đề “The Birth of a New Area in the Crossroad of Artificial Intelligence, Software Engineering and Security”.
PGS. TS Đoàn Lê Hoàng Tân, Trung tâm Inomar (Đại học Quốc gia TPHCM) trình bày báo cáo “Thiết kế và tổng hợp vật liệu MOF ứng dụng cho xúc tác xanh và hấp phụ/chuyển hóa CO2”.
Nổi bật trong khuôn khổ Hội nghị khoa học lần thứ 14, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế song hành.
1 - Hội nghị Quốc tế lần thứ 5 về Kỹ thuật, Vật lý, MEMS- Cảm biến y sinh và ứng dụng năm 2024 (ICEBA2024): Ngày 11-12/11
2- Hội thảo Khoa học Trái đất và Phát triển bền vững 2024 - The Conference on Earth Sciences and Sustainable Development (CESD2024): Ngày 11/11
3- Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Vật liệu tiên tiến và Vật liệu đa chức năng, The 1st International Conference on Advanced and Multifunctional Materials - ICAMM’24: Ngày 12-14/11
4- Hội nghị quốc tế về mạch và hệ thống tiên tiến, The International Conference on Advanced Circuits and Systems - ICACS 2024: Ngày 11/11
5- Hội nghị khoa học Quốc tế Các xu hướng mới trong Hóa học bền vững năm 2024, Emerging trends in sustainable chemistry – ETSC 2024: Ngày 18-19/11
6- Hội nghị Khoa học giữa Trường Đại học Hallym, Hàn Quốc và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Lần XIV, năm 2024, The 14th Joint Symposium Between VNUHCM - University of Science & Hallym University: Ngày 26/11