Hơn 3.950 tỷ đồng công đoàn chăm lo hỗ trợ người lao động, tuyến đầu chống dịch

GD&TĐ - Tính đến ngày 29/8, công đoàn các cấp đã chi trên 3.950 tỷ đồng hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động; kêu gọi huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo cho người lao động...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vận động hơn 8.100 doanh nghiệp thành lập 42.220 tổ an toàn Covid-19 tại cơ sở

Tiểu ban An sinh xã hội thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới tại Hà Nội vào chiều 30/8. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Tiểu ban chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Tiểu ban Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; đại diện Bộ Công Thương, Tổng cục Hậu cần và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, xã hội đất nước và đời sống an sinh của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, thành lập các tiểu ban, trong đó có Tiểu ban An sinh xã hội nhằm bảo đảm các yêu cầu cấp thiết của người dân trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19.

Công tác an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp, các Bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể thực sự coi trọng.

Tính đến ngày 29/8, công đoàn các cấp đã chi trên 3.950 tỷ đồng hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động; kêu gọi huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo cho người lao động; chủ động tổ chức hình thành các mô hình siêu thị 0 đồng, ATM gạo, gian hàng lưu động 0 đồng,… giảm giá các mặt hàng thiết yếu để kịp thời hỗ trợ công nhân lao động lương thực, các nhu yếu phẩm;

Vận động hơn 8.100 doanh nghiệp thành lập 42.220 tổ an toàn Covid-19 tại cơ sở để nắm tình hình đời sống công nhân lao động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động và các vấn đề phát sinh.

Nhờ đó, đời sống của người dân được giữ vững, đời sống chính trị xã hội ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ.

Quân đội đã ủng hộ hơn 559 tỷ đồng; giúp nhân dân thu hoạch, vận chuyển trên 84.550 tấn lương thực

Cùng với cả nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong Quân đội và nhiệm vụ Chính phủ giao; duy trì các tổ, chốt làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, các điểm cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, tổ, đội lấy mẫu xét nghiệm.

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là ở các vùng có dịch, thông qua các hoạt động như giúp nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ nhân dân thực phẩm từ nguồn tăng gia sản xuất, đặc biệt là tham gia tích cực vào việc phân phối, cấp phát lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trên địa bàn phía Nam thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ Quốc phòng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các chương trình, biện pháp tích cực, với khả năng cao nhất phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở rà soát không để sót các đối tượng yếu thế, những người lao động mất việc làm, cần được tư vấn hỗ trợ để có biện pháp giúp đỡ kịp thời; bảo đảm an ninh, trật tự, phân luồng giao thông, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine và hồi sức cấp cứu cho nhân dân, triển khai các trạm y tế lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Các đơn vị Quân đội đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt, huy động sản phẩm tăng gia hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, tổ chức thực hiện các mô hình “Gian hàng 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “ATM gạo chia sẻ”,… Tổng lũy kế đến ngày 28/8, toàn quân đã ủng hộ hơn 559 tỷ đồng; giúp đỡ nhân dân thu hoạch, vận chuyển trên 84.550 tấn lương thực.

Phát biểu tại hội nghị, trên cơ sở thống nhất các ý kiến, Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị thành lập tổ giúp vệc cho Tiểu ban với cơ cấu hợp lý, đồng thời yêu cầu Tiểu ban An sinh xã hội cần nhanh chóng bổ sung, kiện toàn, ban hành quy chế, chương trình, kế hoạch hoạt động;

Để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiểu ban cần bảo đảm lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em, người yếu thế; phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, động viên và nhân rộng các hoạt động thiện nguyện, qua đó giúp đỡ thiết thực người dân, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt.

Đồng thời, Tiểu ban An sinh xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các tiểu ban, cơ quan chức năng liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội thiết thực, hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ; nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách mới nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.