Hơn 37% vụ xâm hại trẻ em bị đình chỉ điều tra

Hình ảnh camera ghi lại cảnh ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi ôm hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy ở một chung cư tại quận 4, TPHCM.
Hình ảnh camera ghi lại cảnh ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi ôm hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy ở một chung cư tại quận 4, TPHCM.

Ngày 27/4, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức chương trình “Đối thoại cùng chính quyền TPHCM, chủ đề “Bảo vệ trẻ em – thực trạng và giải pháp”.

Lý giải việc xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn chậm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Trần Ngọc Sơn cho rằng, khi các vụ bạo lực, xâm hại xảy ra, nạn nhân cũng như gia đình thường rất lúng túng, lưỡng lự trong việc thực hiện việc tố giác hành vi xâm hại trẻ.

Mặt khác, đa số trẻ em bị bạo lực, xâm hại và gia đình các em đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ nên không dám tố cáo kẻ gây án và cố gắng che giấu hoàn cảnh tổn thương của trẻ em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.

Trong khi đó, các nạn nhân bị xâm hại, bạo lực diễn ra trong một thời gian rất dài nên việc ghi nhận, cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi… thường không chính xác, đầy đủ, ảnh hưởng đến việc thu thập chứng cứ.

Một số vụ việc do nạn nhân và đối tượng phạm tội có quan hệ gia đình, họ hàng, hàng xóm thân thiết với nhau nên nhiều trường hợp đã tự thỏa thuận, không trình báo sự việc với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Nhật Nam, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đánh giá, số vụ xâm hại trẻ em cơ quan tố tụng thụ lý giải quyết không phản ánh đúng thực trạng của loại tội phạm này. Riêng từ năm 2016 đến nay, cơ quan điều tra trên địa bàn TPHCM đã khởi tố 282 vụ, trong đó, có 270 vụ các cơ quan tố tụng thụ lý giải quyết nhưng có đến 101 vụ sau đó phải đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra (chiếm 37% tổng số vụ thụ lý).

“Nạn nhân trình báo chậm; dấu vết, chứng cứ vật chất không đủ căn cứ để buộc tội; vụ việc không có người làm chứng… gây nhiều khó khăn cho việc điều tra, xử lý vụ án”, ông Nguyễn Nhật Nam giải thích.

Theo ông Nam, việc xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, ngoài mục đích giao cấu, còn các hành vi khác, nhưng đến nay luật chưa có hướng dẫn cụ thể, nên khó áp dụng xử lý triệt để.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đề nghị, cần sửa đổi, quy định hành vi quấy rối tình dục là một tội danh độc lập; cần quy định cụ thể hơn về việc ẩn danh với bị hại…

Với các vụ việc cụ thể mà người dân phản ánh cơ quan điều tra chưa làm nghiêm túc, ông Nguyễn Nhật Nam đề nghị nạn nhân và cha mẹ các em gửi đơn thư tới Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện hoặc Viện kiểm sát nhân dân TPHCM để cơ quan này giám sát tố tụng.

Theo Sài Gòn giải phóng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ