Và trong khi các cơ quan bảo vệ pháp luật còn lúng túng, chưa sớm đưa ra các hình phạt cho những sai phạm ấy, hoặc có hình phạt thì lại quá nhẹ, thì người dân, cộng đồng mạng đã sớm có những "hình phạt" khá khắc nghiệt cho những người được cho là gây ra những lỗi đó.
Trường hợp ông Đỗ Mạnh Hùng, người đã bị Công an quận Thanh Xuân xác minh là có hành vi dâm ô với một nữ sinh trong thang máy một chung cư ở quận này đã bị phạt 200 ngàn đồng vào cuối tháng trước. Nhưng chính vì mức phạt quá thấp trên, từ đó đến nay, Đỗ Mạnh Hùng đã phải nhận những "bản án" bổ sung từ người dân khá nặng: Anh này bị dán ảnh cảnh báo là kẻ ấu dâm, bị kêu gọi tẩy chay phục vụ ở hàng loạt khu chung cư, các nhà hàng, khách sạn...
Thực tế, những "bản án" khắc nghiệt đó đã được thực hiện. Hùng liên tiếp phải chuyển nhà vì những người dân ở các khu chung cư nhanh chóng phát hiện ra nhân vật đã được nêu tên, cung cấp hình ảnh rõ ràng trên báo chí và họ đã gây sức ép khiến các ban quản trị tòa nhà, các chủ căn hộ cho thuê chấm dứt hợp đồng, từ chối cho gia đình của Hùng thuê nhà ở tại chung cư của họ.
Cũng tương tự, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Linh, người được cho là đã có hành vi dâm ô với một bé gái trong thang máy của khu chung cư Galaxy. Hôm qua (21/4), như Dân trí đã đưa tin, ông này đã chính thức bị Công an quận 4, TPHCM chính thức khởi tố về tội danh: Dâm ô với người dưới 16 tuổi theo điều 146 Bộ luật hình sự.
Trước đó, sốt ruột trong khi chờ đợi cơ quan chức năng xử lý ông Nguyễn Hữu Linh, nhiều người dân tạo đề can "Thành phố đáng sống (Đà Nẵng) phải hốt sạch ấu dâm" cùng hình ảnh ông này, dán trên các xe ô tô, nhà hàng, khu dân cư, chung cư...
Không chỉ có các cá nhân, một số doanh nghiệp trong thời gian gần đây cũng bị lên tiếng tẩy chay từ cộng đồng mạng (facebook) vì những lỗi nghiêm trọng trong quảng cáo, bán hàng. Đối với họ, đây là hình phạt còn đáng sợ hơn rất nhiều những hình phạt có thể có từ cơ quan nhà nước. Bởi một sự tẩy chay mua sắm hàng hóa, dịch vụ rộng lớn từ phía người dân- những khách hàng hiện hữu và và tương lai hoàn toàn có thể đẩy một doanh nghiệp đến chỗ thua lỗ, phá sản vì không bán được hàng.
Tất cả những hành động kêu gọi tẩy chay hay lên tiếng phê phán, bình luận vào những người được cho là có hành vi ấu dâm hay những doanh nghiệp có những hoạt động kinh doanh, khuyến mại không phù hợp đa số có tính bột phát nhưng đều thể hiện cảm xúc, thái độ với những hành vi được cho là vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức của cộng đồng.
Đa phần những hoạt động đó đều có lý nhưng không phải không có những hành động bột phát của một số người dân không phù hợp với quy định của pháp luật: Ví dụ như vẽ lên tường nhà, quét sơn lên cổng, ném rác... vào nhà của người mà họ cho là có hành vi ấu dâm là hành động bị cơ quan chức năng coi là vi phạm pháp luật và có thể bị điều tra, xử lý.
Nhưng chính vì thế, cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chức năng của nhà nước, với từng vụ việc cụ thể càng nên nhanh chóng kiểm tra, điều tra rõ sự việc, những người vi phạm để sớm ban hành, thực thi những hình phạt nhanh, đúng và phù hợp nhất.
Với những trường hợp mà quy định pháp luật còn thiếu hay mức độ xử lý quá nhẹ, không phù hợp thì rất cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, tăng mức hình phạt. Có như vậy, người dân mới cảm thấy những người làm sai trái quy định pháp luật đã bị xử lý đúng mức mà không cần phải tiến hành những hoạt động tẩy chay trên diện rộng mà rất có thể, trong những hoạt động tẩy chay, phản đối đó, có những hành động bột phát, khó kiểm soát và không đúng pháp luật.