Hơn 230 đạn THAAD, SM-3 đã phóng và hậu quả với Mỹ

GD&TĐ - Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), để bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran, Mỹ đã phóng hơn 230 đạn THAAD và SM-3.

Hệ thống THAAD Mỹ triển khai tại Israel.
Hệ thống THAAD Mỹ triển khai tại Israel.

Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của quân đội Mỹ đã khai hỏa hơn 150 quả đạn để đối phó những đợt tập kích tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào Israel trong cuộc chiến 12 ngày hồi tháng trước. Lượng đạn này tương đương 1/4 tổng số tên lửa THAAD mà Lầu Năm Góc đã đặt mua.

Số tên lửa này lớn hơn nhiều so với ước tính 60-80 quả được các chuyên gia quân sự đưa ra dựa trên dữ liệu nguồn mở. Một hệ thống THAAD hoàn chỉnh được trang bị 48 tên lửa trong trạng thái sẵn sàng phóng, nghĩa là khẩu đội Mỹ triển khai ở Israel đã dùng hết hơn 3 cơ số đạn trong nỗ lực đánh chặn tên lửa Iran.

WSJ dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết: "Nhu cầu về đạn THAAD lớn đến mức Lầu Năm Góc từng cân nhắc kế hoạch lấy lô tên lửa mà Saudi Arabia đặt mua để sử dụng tại Israel. Cuộc thảo luận này mang tính nhạy cảm cao, do các thành phố và cơ sở dầu khí tại Saudi được đánh giá là cũng phải đối mặt nguy cơ bị tập kích trong xung đột Iran - Israel".

Báo cáo ngân sách của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) thuộc Lầu Năm Góc cho thấy mỗi quả đạn THAAD có giá 12-15 triệu USD, tùy lô sản xuất.

Trong năm tài khóa 2025, Mỹ chỉ sản xuất được 12 quả đạn THAAD. Dự thảo ngân sách năm tài khóa 2026 của MDA đặt mục tiêu xuất xưởng 32 tên lửa.

Điều này đồng nghĩa số tên lửa THAAD mà quân đội Mỹ khai hỏa để bảo vệ Israel trong 12 ngày xung đột có thể vào khoảng 1,8-2,2 tỷ USD và Washington có thể mất nhiều năm để bù đắp lượng đạn tiêu hao.

Cuối năm 2024, Mỹ triển khai một tổ hợp THAAD cùng kíp vận hành tới Israel để hỗ trợ đồng minh đối phó Houthi. Vũ khí này được đánh giá là một trong những hệ thống đánh chặn tốt nhất thế giới, có khả năng chặn tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn tới tầm xa ở giai đoạn cuối. Đạn đánh chặn của THAAD có tầm bắn 200 km và trần bay 150 km.

Cũng theo nguồn tin này, các chiến hạm Mỹ đã "phóng lượng đạn đánh chặn với tốc độ đáng báo động" trong xung đột Iran - Israel, sử dụng khoảng 80 tên lửa SM-3 để hạ mục tiêu. Giá mỗi tên lửa SM-3 vào khoảng 12,5-37 triệu USD, tùy phiên bản. Lượng tên lửa SM-3 mà Mỹ đã dùng có thể trị giá 1-3 tỷ USD.

Ngày 13 tháng 6, Israel phát động chiến dịch Sư tử Trỗi dậy, tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, hạ tầng trọng yếu, căn cứ quân sự, cũng như nhắm vào các quan chức và chuyên gia hạt nhân nước này. Iran sau đó phát động chiến dịch Lời hứa Đích thực 3 để trả đũa, phóng nhiều máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào lãnh thổ Israel.

Quân đội Israel (IDF) thừa nhận 36 tên lửa Iran đã vượt qua lưới phòng không đa tầng của họ và Mỹ, gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học bang Oregon của Mỹ hôm 7 tháng 7 công bố phân tích cho thấy con số thực tế có thể cao hơn nhiều, trong đó 6 quả không được IDF thống kê đã đánh trúng 5 căn cứ quân sự trọng yếu của Israel.

Đến ngày 22 tháng 6, Mỹ điều oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit tấn công cơ sở hạt nhân Natanz, Fordow và Isfahan của Iran, sau đó Tehran phóng tên lửa vào căn cứ của Washington ở Qatar để trả đũa đã khiến một vòm radar 15 triệu USD bị phá hủy. Hai ngày sau, xung đột Iran - Israel kết thúc với lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian.

Cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran đã khiến hơn 900 người thiệt mạng, hơn 4.700 người bị thương ở Iran. Giới chức Israel cũng ghi nhận 28 người chết, hơn 2.500 người bị thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ