Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, hiện đã có 11.171/13.150 cơ sở y tế sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp tích hợp bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh, với 1.675.330 công dân sử dụng thẻ này đi khám, chữa bệnh.
Để tuyên truyền về lợi ích của Đề án 06, những tiện ích mang lại cho người dân, tổ chức trong triển khai dịch vụ công, ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp, định danh điện tử, Bộ Công an đã phối hợp các ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM tại một số chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh.
Sau hơn 3 tháng triển khai, đã có 762 lượt công dân sử dụng thẻ căn cước công dân để giao dịch với tổng số tiền trên 22,73 tỷ đồng.
Riêng tại địa bàn Hà Nội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp Công an TP Hà Nội triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 tại 3 điểm ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, đạt hiệu quả cao khi tập trung vào nhóm tiện ích dịch vụ công. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, tổ chức thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại cơ sở.
Hiện, Bộ Công an đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để công dân nắm thông tin về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và quy định của Luật Cư trú năm 2020 khi thực hiện các giao dịch dân sự, các thủ tục hành chính cũng như tính bảo mật thông tin của công dân trong sử dụng các phương thức thay sổ hộ khẩu.
Sau ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hiệu lực, nghĩa là các sổ này không còn giá trị pháp lý trong việc chứng minh các thông tin cư trú của người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Thay vào đó, sẽ sử dụng các phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính như: Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú; thẻ căn cước công dân gắn chíp; ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử…