Hơn 136 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, 45 người tử vong trong 7 tháng qua

GD&TĐ - Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 7 tháng năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,2 lần và đã ghi nhận 45 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố.

Hơn 136 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, 45 người tử vong trong 7 tháng qua

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 45 trường hợp tử vong tại 15 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (10 ca), Bình Dương (9 ca), Đồng Nai (5 ca), Tây Ninh (4 ca), Bình Phước (4 ca), Đồng Tháp (2 ca), Vĩnh Long (2 ca), Bạc Liêu (2 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Gia Lai (1 ca), Hậu Giang (1 ca), Sóc Trăng (1 ca), Long An (1 ca).

Phát ban là một trong các triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn. Ảnh minh họa.

Phát ban là một trong các triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Ngoài ra, trong tháng 5 và 6/2022, Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết cho các bác sĩ điều trị tại 32 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

"So với cùng kỳ 2021 (42.587/14) số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên"- TS Nguyễn Lương Tâm- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết sáng 2/8 tại hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng vắc xin và phòng, chống dịch do Bộ Y tế tổ chức.

Để chủ động, kịp thời cung ứng dịch truyền Dextran 40 phục vụ điều trị bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức mua sắm theo quy định để đảm bảo kịp thời cung ứng được dịch truyền Dextran cho nhu cầu điều trị.

Bộ Y tế yêu cầu, đơn vị cung ứng thuốc khẩn trương liên hệ với cơ sở sản xuất để có được nguồn Dextran cung ứng sớm nhất cho thị trường Việt Nam.

Sớm hoàn thiện hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc Dextran sản xuất tại Việt Nam.

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người này sang người khác qua đường trung gian là muỗi vằn. Ảnh minh họa.

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người này sang người khác qua đường trung gian là muỗi vằn. Ảnh minh họa.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị tốt việc thu dung, điều trị; đảm bảo thuốc, cơ số phòng, chống dịch; thực hiện phân loại, phân tuyến điều trị tránh quá tải và hạn chế tử vong.

Còn tại các địa phương, tăng cường tổ chức triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết.

Đồng thời, triển khai giám sát, điều tra dịch và tổ chức xử lý kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực nguy cơ.

Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.