Bức ảnh do một máy bay giám sát Philippines chụp lại cho thấy một tàu Trung Quốc đang thực hiện công việc cải tạo đất ở bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Inquirer |
Theo Inquirer, các tàu hải cảnh trên làm nhiệm vụ hộ tống cho tàu nạo vét đất của Trung Quốc ở các bãi đá của Trường Sa.
Phát ngôn viên không quân Philippines Enrico Canaya cho hay lực lượng này không thể thống kê được số tàu Trung Quốc trong một ngày nhất định vì chúng di chuyển liên tục và không hoạt động cố định ở một nơi.
Theo ông Florente Falsis - Phó giám đốc tình báo không quân Philippines, số lượng tàu Trung Quốc ở khu vực trên có khi là 3-4 chiếc, có khi lên đến 10 hoặc 12 chiếc.
"Chúng tôi đã tăng cường số chuyến bay tuần tra ở khu vực này để có thể phát hiện các tàu và những diễn tiến trên các đảo nhỏ", ông Canaya nói. "Mỗi lần tuần tra trên không, chúng tôi đều nhận thấy sự hiện diện của họ".
Phát ngôn viên cho biết thêm rằng không quân Philippines cũng quan sát việc nạo vét của Trung Quốc trên các bãi đá và xác nhận những thông tin về vấn đề này trên truyền thông.
Trung Quốc được cho là đang cải tạo đất trên một số bãi đá của quần đảo Trường Sa để xây dựng căn cứ quân sự hiện đại nhằm củng cố sức mạnh trên Biển Đông.
Philippines đã gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nhưng chưa được phản hồi. Các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền.
Ông Herminio Colo - Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, hôm qua cho biết chính phủ Philippines đang làm những việc cần thiết để tiếp tục khẳng định chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp.
Lực lượng tuần duyên của nước này đang tiếp tục tuần tra định kỳ trên Biển Đông và hỗ trợ Cục Ngư nghiệp và Thủy sản trong việc nghiên cứu cũng như giám sát.
Ông nhấn mạnh, Chính phủ Philippines sẽ tập trung vào các giải pháp ngoại giao, pháp lý và chính trị trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc có ra tòa án quốc tế hay không. Theo ông, đó là cách duy nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực.
Philippines nỗ lực thúc đẩy các đồng minh trong ASEAN xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đồng thời thúc giục các nước có tranh chấp ngừng những hoạt động trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ASEAN thông qua năm 2002.