Hôm nay (22/8), một ngày trọng đại của GS. Ngô Bảo Châu

Hôm nay (22/8), một ngày trọng đại của GS. Ngô Bảo Châu
 GS Ngô Bảo Châu (thứ tư từ trái sang) cùng các nhà khoa học được vinh danh tại ĐH Toán học thế giới 2010.
GS Ngô Bảo Châu (thứ tư từ trái sang) cùng các nhà khoa học được vinh danh tại ĐH Toán học thế giới 2010.

Ngày hôm nay, Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ đọc liền 2 báo cáo tại Đại hội Toán học thế giới (ICM) đang diễn ra ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ, mỗi báo cáo được trình bày trong một giờ đồng hồ. Đầu tiên là báo cáo toàn thể (Plenary Lecture), bắt đầu từ lúc 11h30 và kết thúc vào lúc 12h30 (giờ chuẩn Ấn Độ, giờ Việt Nam sớm hơn giờ Ấn Độ 90 phút). Tiếp sau đó là bài thuyết giảng đặc biệt dành cho nhà Toán học đoạt giải Fiels, kéo dài từ 13h45 tới 14h45.

Vị Giáo sư Việt Nam 38 tuổi là người duy nhất có được vinh dự to lớn này (cả 3 người cùng đoạt giải Fields với Ngô Bảo Châu chỉ được đọc báo cáo tại tiểu ban, mỗi báo cáo 45 phút). Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong số 20 người được mời đọc báo cáo toàn thể tại ICM 2010. Năm 2006, anh cũng được đọc báo cáo toàn thể tại kỳ Đại hội ở Madrid, Tây Ban Nha.

Báo cáo toàn thể của Giáo sư Châu năm nay có tựa đề “Phép nội soi các dạng tự đẳng cấu” (Endoscopy of automorphic forms), một vấn đề quan trọng của Đại số. Người điều hành Hội đồng nơi Giáo sư Châu đọc báo cáo chính là Giáo sư James Arthur (Đại học Toronto, Canada). James Arthur là thành viên Ủy ban bầu chọn giải thưởng Fields của Hội Toán học thế giới (IMU) năm nay và chính là người đã có bài nhận xét dài 25 phút về công trình của Ngô Bảo Châu - lời giải cho Bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands. 

GS James Arthur tới từ Đại học Toronto, Canada đã thay mặt Ủy ban bầu chọn giải Fields lên giới thiệu về công trình của nhà toán học Ngô Bảo Châu.

Trong 25 phút, GS James Arthur đã giới thiệu sơ lược về công trình của Ngô Bảo Châu trước toàn thể các nhà toán học, những người muốn biết vì sao vị GS đang làm việc tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton lại được trao giải thưởng danh giá nhất của thế giới toán học"

Chương trình Langlands là tập hợp nhiều giả thuyết do nhà toán học người Canada - Robert Langlands đặt ra vào năm 1967, nhằm thống nhất một số nhánh của toán học hiện đại như Số học, Đại số và Giải tích. Từ đó đến nay, nhiều giả thuyết trong Chương trình Langlands đã được chứng minh, mang lại những kết quả cực kỳ quan trọng không những trong toán học mà cả nhiều ngành khác.

Công trình của Robert Langlands không chỉ là một vấn đề lý thuyết mà có tính ứng dụng rất cao. Các giả thuyết của Langlands là động lực cho sự phát triển của Lý thuyết Toán học trong vòng hơn 30 năm qua. Nhờ giả thuyết này, rất nhiều bài toán tưởng chừng như công thức riêng lẻ đã được sắp xếp thành công trình kiến thức vĩ đại, ví dụ như Hình học phẳng của Euclide hay phát minh ra nhóm Galois trong việc giải Phương trình Đại số...

Tuy nhiên, tất cả lời giải cho các giả thuyết trong Chương trình Langlands đều dựa trên một giả thuyết nền tảng, khi đó chưa được chứng minh nhưng mặc nhiên được xem là đúng và sử dụng. Giả thuyết này chính là Bổ đề cơ bản. Nhiều nhà Toán học hàng đầu đã bỏ công sức chứng minh nhưng chỉ mới thành công trong một số trường hợp đặc biệt (GS Ngô Bảo Châu và người thầy Gerard Laumon của mình cũng giải quyết được một trường hợp riêng của giả thuyết này và nhận giải thưởng của Viện Toán học Clay năm 2004 - PV).

Ngô Bảo Châu được trao giải Fields vì đã chứng minh được Bổ đề cơ bản quan trọng cho giả thuyết của Langlands với trường hợp tổng quát.

Đây là một công trình nghiên cứu mang tính chuyên sâu, phức tạp và đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của nhà toán học. Thành công của nó không chỉ cần đến tài năng mà còn nhờ vào sự kiên nhẫn, tâm huyết và say mê nghề nghiệp của Ngô Bảo Châu.

Tôi hy vọng rằng điều này sẽ làm rõ ràng lý do tại sao kết quả công trình nghiên cứu của Ngô Bảo Châu là một nền tảng quan trọng chứng minh cho giải thuyết này. Đây là một luận cứ sâu sắc và hoàn chỉnh, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu của các nhà toán học đã đóng góp những hiểu biết của mình trong vòng hơn 30 năm qua.

Thực sự, Ngô Bảo Châu đã có một ý tưởng tuyệt vời trong việc áp dụng phương pháp toàn cầu cho Bổ đề cơ bản của Langlands.

TCnews
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.