(GD&TĐ)- Hôm nay 16/2, theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước đã có 17 tỉnh có dịch lở mồm long móng trên gia súc .
Trong 2 ngày 15 và 16/2, đã có thêm 3 tỉnh là Tiền Giang, Phú Thọ, Đồng Nai chính thức công bố có dịch lở mồm, long móng trên gia súc.
Để công tác phòng chống dịch hiệu quả, các địa phương phải tiến hành tiêu hủy triệt để số gia súc mắc bệnh. |
Tại Phú Thọ, dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại phường Minh Phương thuộc thành phố Việt Trì làm 18 con bò mắc bệnh.
Ở Tiền Giang, từ ngày 3/2 - 10/2, dịch này đã xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi lợn của 3 xã là Long Bình Điền, An Thạnh Thủy và Xuân Đông thuộc huyện Chợ Gạo làm 59 con lợn mắc bệnh trên tổng đàn 160 con.
Còn tại Đồng Nai, từ ngày 24/1-10/2, dịch lở mồm long móng cũng đã xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi lợn của xã Bàu Cạn thuộc huyện Long Thành làm 489 con lợn mắc bệnh trong đó có 89 con lợn nái, 262 lợn thịt và 138 lợn con.
Hiện tại, Chi cục Thú y các tỉnh trên đã tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Như vậy, cả nước đã có 17 tỉnh mắc dịch gồm Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Đồng Nai và Tiền Giang.
Trong những ngày đầu tháng 2, dịch lở mồm long móng trên gia súc tại nhiều địa phương trên cả nước có biểu hiện bùng phát mạnh. Chỉ trong hơn 10 ngày đầu tháng 2, dịch đã diễn biến khó lường và xuất hiện đồng thời ở cả 3 miền.
Nguyên nhân khiến dịch lở mồm long móng lây lan trong thời gian qua do người chăn nuôi còn chủ quan lơ là, cơ quan chuyên môn chưa làm tốt công tác tiêm phòng, lúng túng trong xử lý các ổ dịch.
Theo các chuyên gia thú y, không chỉ trong nước mà còn ở một số nước châu Á dịch lở mồm long móng đang được coi là dịch bệnh nguy hiểm do mức độ lây lan và đối tượng lây nhiễm.
Để khống chế dịch lở mồm long móng, Cục Thú y đã chỉ đạo các địa phương chủ động tiêm phòng và tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc. Đồng thời, yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch chuẩn bị vắcxin để chủ động tiêm phòng phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay, để công tác phòng chống dịch hiệu quả, các cơ quan thú y vùng và thú y cơ sở phối hợp chính quyền các địa phương tiến hành tiêu hủy số gia súc mắc bệnh. Đồng thời triển khai tiêu độc, khử trùng môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Nguyên Phương