"Hồi tỵ" là gì?

GD&TĐ - Thời phong kiến ở nước ta, có luật không cho cha con, anh em, họ hàng hoặc thông gia cùng làm việc một chỗ, gọi là luật “hồi tỵ”.

Luật “Hồi tỵ” quy định rõ không cho cha con, anh em, họ hàng hoặc thông gia cùng làm việc một chỗ. Ảnh tư liệu.
Luật “Hồi tỵ” quy định rõ không cho cha con, anh em, họ hàng hoặc thông gia cùng làm việc một chỗ. Ảnh tư liệu.

Điều này được đưa vào pháp luật nhà nước các thời Lê, Nguyễn.

Như năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), khi chuẩn bị làm lễ an táng cho vua cha Minh Mạng, Thượng thư bộ Lễ là Phan Huy Thực lại bị ốm xin nghỉ chữa bệnh, vua bảo quyền Thượng thư bộ Lễ Đặng Văn Thiêm rằng: “Bộ Lễ nhiều việc, mà các viên ngoại và lang trung giúp việc hãy còn thiếu số. Những viên thuộc trong các bộ, viện có người nào thạo thuộc nghi lễ, chuẩn cho tâu lên sung bổ, để làm việc”.

Thiêm tâu rằng: “Con trai Phan Huy Thực là Huy Vịnh, vốn có văn học, theo cha ở nơi làm quan, cũng quen lễ tiết một chút. Nhưng vì cha con cùng làm một bộ, lệ nên hồi tỵ”. Vua phán rằng: “Thực là bậc lão thần, am tường điển lệ cũ. Nay đương ốm, cho phép cáo nghỉ ở nhà. Nếu Vịnh làm được chức ấy, thì đời đời làm tôi cho nước, nổi tiếng tốt cho nhà, sung vào ngạch còn thiếu là phải lắm, cần gì phải gò bó theo lệ?”.

Sau đó, vua truyền lập tức bổ Phan Huy Vịnh làm Lang trung bộ Lễ (chức đứng dưới cấp Thị lang – phó của Thượng thư các bộ).

Hoặc vào năm Thiệu Trị thứ hai (1842), nhà Nguyễn bổ thự (thự tức là quyền) Bố chính tỉnh Cao Bằng Phan Trước thăng chức Tả thị lang bộ Hình. Nhưng không được bao lâu, Phan Trước lại kết thông gia với Tham tri bộ Hình là Bùi Quỹ, nên xin hồi tỵ; vì vậy triều đình cho đổi bổ Phan Trước sang làm Tả thị lang bộ Lại.

Luật Hồi tỵ phong kiến quy định: “Không được cai trị ở nguyên quán, trú quán, lấy vợ, kết hôn, làm thông gia nơi mình làm quan”. Theo từ điển Hán Việt, “Hồi” là trở về, “tỵ” là lánh đi (như trong chữ “tị nạn”). Tức là nếu được bổ nhiệm về bản quán thì phải tránh đi. Đây là biện pháp để chống hiện tượng bè cánh, ưu ái người nhà, bà con của các quan lại thời xưa.

Luật Hồi tỵ được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông. Trong bộ “Quốc triều Hình luật” (còn gọi là Luật Hồng Đức) có quy định: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.

Quy định được áp dụng từ việc cắt đặt xã quan ở các làng xã. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” (Bản kỷ, thực lục nhà Lê), thì năm 1488, vua Lê Thánh Tông xuống dụ quy định: “Từ nay các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú, con bác, bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tội bè phái hùa nhau”.

Đến năm 1497, vua tiếp tục có dụ quy định bổ sung: “Các viên quan quản quân, quản dân nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc, thì bộ Lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay”.

Sang đến thời Nguyễn, sau khi vua Gia Long thiết lập bộ máy nhà nước, đến thời Minh Mạng, để củng cố nền cai trị, đảm bảo nền hành chính được vận hành hiệu quả, Luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới. Cụ thể, khi bố trí quan về trị nhậm tác các địa phương cần phải tránh những nơi: Quê gốc (quê cha) là nơi có quan hệ họ nội nhiều đời; Trú quán là nơi bản thân đã ở lâu, học hành, sinh hoạt; Quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ là nơi theo học trước đây). Ai man trá các điều này sẽ bị nghiêm trị.

Ngoài ra, các dịch lại ở các nha môn, các bộ ở Kinh đô và các tỉnh là bố con, anh em ruột, anh em con chú con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác. Các quan lại không được làm quan ở nơi cư trú (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình; thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ, huyện là quê hương của mình. Các lại mục, thông lại các nha phủ thuộc phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác.

Để đảm bảo khách quan trong quá trình ra quyết định, triều Nguyễn cũng quy định, các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh khi được triệu về Kinh đô dự đình nghị (họp bàn để quyết định một vấn đề), song trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình trị nhậm thì không được vào dự.

Đến năm 1836, Luật Hồi tỵ còn được bổ sung những quy định khắt khe hơn: Các quan đầu tỉnh như Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát, Lãnh binh, Đốc học đều không được cử những người cùng chung một quê. Trong từng Bộ, Nha, Sở, Cục không được bố trí những người có quan hệ cha – con, anh – em, thông gia, thầy – trò, họ hàng...

Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế. Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen dự thi. Nếu có, phải tâu trình thay người khác coi, chấm thi. Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với phụ nữ nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng… trong địa hạt cai quản của mình…

Hiện nay, ở nước ta, Bộ Công an đang triển khai việc bố trí giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như trưởng công an huyện không phải là người địa phương. Đây cũng là áp dụng biện pháp “hồi tỵ” nhằm loại bỏ tệ bè phái, phe cánh, ngăn từ xa những yếu tố có thể tác động để sự nghiêm minh trong hoạt động công vụ. Chính sách này giúp ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen và đang được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.