Cô Lê Thị Xuân Lộc – Giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai (TP Tây Ninh):
Hơn 10 ngày nay, kể từ khi biết tin mình đoạt giải Nhất của Hội thi “Nữ giáo viên sáng tạo” ngày nào cô Lộc cũng nhận được những lời chúc mừng của đồng nghiệp, người thân và các bậc phụ huynh. Cả trường đều rộn ràng niềm vui khi biết tin cô Lộc đoạt giải cao nhất.
Cô Lộc cho hay: Đề tài mà cô tham dự Hội thi là “Sự tích ngày và đêm” thuộc lĩnh vực phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Nội dung là một câu chuyện hư cấu với các nhân vật là: Gà trống, mặt trời, mặt trăng. Theo đó, cô đã dùng hiệu ứng hình ảnh để kể lại câu chuyện cho các bé.
Cô Lộc dẫn giải, ví dụ như: “Bình minh đến tôi dẫn dắt các em bằng hình ảnh ông mặt trời, chú gà trống đang gáy. Ban ngày là hình ảnh bầu trời trong xanh với những tia nắng chiếu xuống từ ông mặt trời. Khi màn đêm buông xuống là những hình ảnh về mặt trăng, các vì sao.
Với những hình ảnh như vậy mà tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn và gần gũi với các bé hơn rất nhiều. Điều quan trọng là các bé đã mạnh dạn hỏi cô giáo và trả lời các câu hỏi của cô giáo. Qua đó nhằm kích thích phát triển ngôn ngữ của các em”.
Cũng theo cô Lộc, trẻ em rất thích được nghe kể chuyện. Thế giới của các em đầy những câu chuyện cổ tích thần thoại, những câu chuyện hay và đẹp. Câu chuyện là cách hay nhất để dẫn dắt các em nhận thức về thế giới xung quanh, những hành động tốt đẹp.
“Vì thế qua bài giảng “Sự tích ngày và đêm”, tôi mong muốn các bé nhận biết hiện tượng ngày và đêm một cách tự nhiên, nhẹ nhàng bằng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc xung quanh trẻ như: Ông mặt trời, mặt trăng, gà trống…
Ngoài ra, tôi cũng mong muốn các bé nhận thức thêm được ngày và đêm khác nhau như thế nào. Rộng hơn là giúp các em biết đến hiện tượng nhật thực và nguyệt thực và biết bảo vệ sức khỏe cả ban ngày lẫn ban đêm” – Cô Lộc tâm sự.
Cô Võ Thị Ngọc Ánh – giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Kon Tum)
Bất ngờ và hạnh phúc khi biết tin mình đoạt giải Nhất của Hội thi “Nữ giáo viên sáng tạo”, cô Ánh tâm sự: “Đến với Hội thi tôi chỉ có mong muốn là được giao lưu trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp. T
ôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đoạt được giải này, giải kia. Vì vậy khi biết tin mình được giải Nhất tôi hạnh phúc đến nghẹn lời, chỉ biết ôm các em học sinh vào lòng và thầm cảm ơn các em ấy. Các em chính là động lực để tôi đến với Hội thi này”.
Cô Ánh bộc bạch: “Đã hết rồi cái thời cô giảng, trò nghe và ghi chép. Dạy học bây giờ phải lấy học sinh là trung tâm. Giáo viên cần sáng tạo để mỗi tiết học trở nên sinh động và lôi quốn học sinh”.
Nhận thấy, khi áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, các em rất hứng thú với học bài. Vì vậy, hàng ngày cô đều cố gắng đưa những hình ảnh động vào bài giảng để các em dễ hình dung, dễ nhớ kiến thức.
Cũng từ những lý do trên, nên khi biết được Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thi “Nữ giáo viên sáng tạo” cô Ánh đã quyết định tham gia. Cô tâm sự: “Dù được giải hay không thì mình cũng sẽ áp dụng phương pháp này vào bài giảng của mình. Cái gì tốt cho học sinh là mình làm”.
Được biết, Đề tài mà cô tham dự đó là “Bộ hình động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”. Trong bài giảng, cô đã thực hiện chuyển từ những hình ảnh tĩnh trong sách giáo khoa sang hình ảnh động bằng cách xây dựng những đoạn video ngắn để dạy. Ngoài ra, cô xây dựng hệ thống sơ đồ tư duy và sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Cô Ánh cho biết: “Với phương pháp này, giáo viên phải vất vả hơn, lao động thực sự hơn nhưng đổi lại học sinh lại được rất nhiều. Các em hứng thú hơn với bài học, dễ ghi, dễ nhớ và nhớ lâu hơn về những nội dung kiến thức của bài giảng. Từ đó chất lượng học tập của các em cũng được nâng lên rõ rệt”.
Cô Nguyễn Thị Anh Toàn – giáo viên Trường THCS Hải Đình (TP Đồng Hới – Quảng Bình):
Cũng như nhiều giáo viên khác cô Toàn đến với Hội thi “Nữ giáo viên sáng tạo” không vì mục đích đoạt giải. Cô tham gia với tâm thế thoải mái như công việc soạn giáo án hàng ngày của một giáo viên phải làm. Chính vì vậy mà bài giảng E – Learning dự thi của cô chỉ gói gọn trong tiết 23 bài 23 môn Địa lý lớp 6 về sông hồ.
Cô cho biết: Để thiết kế bài giảng này, cô đã sưu tầm nhiều tranh ảnh, những đoạn video về sông, hồ; trong đó có nhiều đoạn clip do cô tự quay. Bài giảng của cô tập trung đi sâu vào một chủ đề và cung cấp khá đầy đủ kiến thức về sông hồ cho học sinh thông qua những hình ảnh sinh động.
Ngoài ra cô cũng tích hợp kiến thức của một số môn học như: Giáo dục công dân, Âm nhạc, Toán… Qua đó nhằm tạo hứng thú cho học sinh và giúp các em biết cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
“Với bài giảng này, học sinh nắm bắt kiến thức rất nhanh và hào hứng với tiết học. Đặc biệt với bài giảng E – Learning, học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi và phụ huynh cũng có thể tham gia vào việc dạy, học cùng với con cái” – cô Toàn nói.