Hội thi 'đá chai' độc đáo ở Anh

GD&TĐ - Tại làng Hallaton ở Leicestershire (Anh) có một truyền thống độc đáo diễn ra vào Lễ Phục sinh ngày thứ Hai.

Tranh tài quyết liệt.
Tranh tài quyết liệt.

Ngày đó, cư dân ở đây và ngôi làng Medbourne cạnh bên cùng tham gia cuộc thi di chuyển một “cái chai” qua hai con suối nằm cách nhau 1,6km. Sự kiện có từ cuối thế kỷ 18 này được xem là một trong những môn thể thao lâu đời nhất ở Anh.

Từ chuyện thỏ cứu mạng

Truyền thuyết kể rằng, lễ hội “đá chai” bắt nguồn từ hai người phụ nữ ở Hallaton và một con thỏ. Ngày nọ, trên đường đi họ bị một con bò đực lao tới tấn công. May thay, lúc đó một con thỏ trong bụi rậm hốt hoảng phóng ra làm chuyển hướng sự tập trung của con vật này, giúp họ thoát nạn.

Để tri ân, những người phụ nữ đã tặng thỏ rừng cho nhà thờ với điều kiện, vào mỗi Phục sinh ngày thứ Hai, cha sở sẽ cung cấp một chiếc bánh hình thỏ, 12 ổ bánh mì và hai thùng rượu bia cho những người kém may mắn trong làng. Sau đó, dân làng Hallaton sẽ tham gia một cuộc thi sôi nổi, chiến đấu với nhau để giành lấy thức ăn và đồ uống mà họ thèm muốn.

Trong một sự kiện như vậy, cư dân làng Medbourne cạnh bên đã chớp cơ hội để lấy trộm những thùng rượu bia. Sự việc này đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc đua tranh lâu đời giữa hai ngôi làng, những người Hallaton liên kết để đòi lại những thứ bị đánh cắp của họ, tạo tiền đề cho truyền thống đá chai hằng năm tiếp tục cho đến ngày nay.

Chiếc bánh thỏ Hallaton được giới thiệu trước khi trận 'đá chai' hằng năm bắt đầu.
Chiếc bánh thỏ Hallaton được giới thiệu trước khi trận 'đá chai' hằng năm bắt đầu.

Đến lễ hội sôi nổi

Lễ hội bắt đầu bằng cuộc diễu hành của người dân địa phương qua làng Medbourne và Hallaton. Họ mang theo một chiếc bánh thỏ lớn và ba cái “chai”, thực ra là những thùng gỗ nhỏ. Hai trong số những “chai” này chứa bia, còn “chai” thứ ba, được gọi là “hình nộm”, là một chiếc thùng gỗ nguyên khối được sơn màu đỏ và trắng nổi bật.

Cha sở Hallaton giữ vai trò quan trọng trong lễ hội bằng cách ban phước cho chiếc bánh thỏ trước khi nó được cắt rời theo nghi thức và ném vào đám đông để họ “tranh giành”. Phần còn lại được cho vào bao tải và mang lên đồi Hare Pie gần đó.

Đồng thời, các chai được vận chuyển đến Buttercross, một cấu trúc hình nón với một quả cầu phía trên trước đây được sử dụng để giữ mát bơ và pho mát trong những ngày diễn ra chợ phiên của làng. Ở đây, những chiếc “chai” được trang trí bằng ruy băng và bánh mì được phân phát cho đám đông háo hức.

Sang đầu giờ chiều, chiếc bánh thỏ được bày trên mặt đất ở đỉnh đồi. Cuộc thi bắt đầu với nghi thức tung mỗi “chai” lên không trung ba lần. Đây là một môn thể thao ngoài trời diễn ra trên một khu vui chơi dài 1,6km, trong đó hai đội cố gắng di chuyển một thùng gỗ qua dòng suối của đội đối phương ở cuối khu vực bằng bất kỳ phương tiện cần thiết nào.

Hầu như không có quy tắc nào đối với trò “đá chai”, ngoại trừ việc không móc mắt, bóp cổ và sử dụng vũ khí. Cuộc thi rất gay cấn và khốc liệt, với các đội tham gia đẩy, đấu vật và chiến đấu để di chuyển các chai vượt qua các chướng ngại vật như mương, hàng rào và dây thép gai.

Trong cuộc thi, những người tham dự bị gãy xương và các chấn thương khác không phải là hiếm, nên sự có mặt của các dịch vụ cấp cứu luôn sẵn sàng.

Đội nào di chuyển thành công nhiều chai nhất sẽ chiến thắng và những trận đấu căng thẳng này có thể kéo dài hơn một giờ mỗi trận, thường giống như một trận bóng bầu dục đông đảo.

Người dân địa phương thậm chí còn khẳng định, trò chơi bóng bầu dục ngày nay lấy cảm hứng từ truyền thống “đá chai” đầy sôi nổi này, những quả bóng bầu dục thể hiện hình dạng của những thùng bia nhỏ được sử dụng trong sự kiện kể trên.

Khi lễ hội kết thúc, cả người tham gia và khán giả rủ nhau đến các quán rượu địa phương để chia sẻ đồ uống và trò chuyện sôi nổi. Bầu không khí vui vẻ trong quán rượu là sự kết thúc phù hợp cho cuộc tranh tài sôi nổi trong ngày.

Truyền thống này đã tồn tại hơn hai thế kỷ và trở thành một sự kiện thường niên được yêu thích. Chỉ có hai lần trò chơi bị hủy - một lần vào năm 2001 do lo ngại xung quanh bệnh lở mồm long móng và một lần khác vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Truyền thuyết còn kể rằng, vào năm 1790, cha sở ở Hallaton ban đầu phản đối, tìm cách cấm sự kiện này vì cho rằng nguồn gốc ngoại giáo của nó, với sự kiện thỏ rừng bị hiến tế cho nữ thần Eostre.

Tuy nhiên, lập trường của ông đã thay đổi chỉ sau một đêm, khi dòng chữ “No pie, no parson” (không bánh nướng, không cha sở) xuất hiện một cách bí ẩn trên tường nhà, khiến ông suy nghĩ lại và để truyền thống tồn tại.

Trong cuộc tranh tài năm 2023, Hallaton vẫn giữ được danh hiệu nhà vô địch từ năm 2019 khi đánh bại Medbourne với tỷ số 2 - 0. Ông Phil Allan, Trưởng ban tổ chức, cho biết, trò chơi - được cho là có từ thời La Mã - là điểm nhấn trong năm của các ngôi làng. Ông ước tính vừa qua có khoảng 8.000 người đã tham dự sự kiện này.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.