Hội thảo Truyền thông và Đào tạo truyền thông 2024

GD&TĐ - Sáng mai (16/7) Trường Đại học Hoa Sen phối hợp cùng Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức Hội thảo Truyền thông và Đào tạo truyền thông 2024.

Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen. (Ảnh: HSU)
Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen. (Ảnh: HSU)

Hội thảo Truyền thông và Đào tạo truyền thông 2024 với chủ đề "Công nghệ truyền thông" diễn ra tại Trường Đại học Hoa Sen (số 8, đường Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM).

Hội thảo với mục đích tạo cơ hội gặp gỡ lãnh đạo cơ quan quản lý truyền thông, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số và là cơ hội quý báu để kết nối, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, cũng như phát triển các chiến lược và chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành truyền thông và công nghệ số tại Việt Nam.

Dự kiến hơn 250 người tham gia hội thảo, trong đó có nhiều diễn giả, chuyên gia với trình độ chuyên môn cao, nhiều bề dày kinh nghiệm. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của các giảng viên, sinh viên trong và ngoài nhà trường.

IMG_5009.jpeg
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia và diễn giả đến từ các trường ĐH- CĐ trên cả nước

Hội thảo lần này thu hút nhiều tham luận, báo cáo chất lượng từ các diễn giả, chuyên gia như: "Những thách thức của báo chí trong kỷ nguyên số" - Nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; "Báo chí dữ liệu trong kỷ nguyên AI" - PGS.TS Trần Quang Diệu (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); "Vai trò của Truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số", TS Lê Thị Thu Hằng (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông),...

Chia sẻ trước hội thảo, Nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại nhìn nhận, các cơ quan báo chí hiện nay tại Việt Nam đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số trong vận hành tòa soạn ở nhiều khâu khác nhau và đạt được những kết quả ban đầu tích cực. Sản phẩm báo chí mang đến cho độc giả đã được cải thiện, hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên việc chuyển đổi số của báo chí Việt Nam nhìn chung vẫn chưa đồng bộ, công nghệ chưa cập nhật so với thế giới. Trong đó, ngoài yếu tố về công nghệ, tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế về trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số.

"Yêu cầu chuyển đổi số của thời đại 4.0 cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thách thức sự tồn tại, phát triển của báo chí chính thống. Do đó, trong bối cảnh này, nhân lực ngành báo chí cần thay đổi nhận thức và hình thành kỹ năng mới về chuyển đổi số. Gốc rễ của vấn đề này là quá trình đào tạo nhân lực báo chí trong nhà trường, quá trình tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trong các cơ quan báo chí", bà Dương Thanh Hương nói.

_MAX0113.JPG
Nhân lực ngành báo chí cần thay đổi nhận thức và hình thành kỹ năng mới về chuyển đổi số. (Ảnh: HSU)

Ở một góc nhìn khác, TS Lê Văn Hỷ, Tổng Biên tập Tạp chí Vietnam Logistics Review cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo ra mối quan hệ với khách hàng và nâng cao hiệu suất làm việc.

Đặc biệt, với bối cảnh hiện nay, tính cần thiết của việc đào tạo truyền thông, kỹ năng truyền thông trong kỷ nguyên số ngày càng trở nên cấp bách là điều không thể phủ nhận.

“Trong một thế giới với mức độ toàn cầu hóa cao, nhu cầu giao lưu, hợp tác càng lớn thì vai trò của truyền thông càng trở quan trọng. Vấn đề đào tạo truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ là lợi ích mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của các tổ chức, doanh nghiệp.

Bằng cách nắm bắt và vận dụng các kỹ năng truyền thông hiện đại một cách hiệu quả, chúng ta có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực và phát triển bền vững cho tương lai”, TS Hỷ chia sẻ.

Hội thảo sẽ chia thành 2 phiên. Phiên đầu tiên diễn ra tham luận của các diễn giả, chuyên gia. Phiên thứ 2, các diễn giả sẽ ngồi bàn tròn cùng trao đổi về chủ đề "Công nghệ truyền thông trong thời đại số".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ