Hội thảo "Tư vấn mua sắm và tập huấn sử dụng thiết bị dạy, học ngoại ngữ"

Hội thảo "Tư vấn mua sắm và tập huấn sử dụng thiết bị dạy, học ngoại ngữ"

(GD&TĐ) - Sáng nay 19/7 tại thị xã Cửa Lò, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020) cùng phối hợp với Trường Đại học Vinh đã tổ chức Hội thảo “Tư vấn mua sắm và tập huấn sử dụng thiết bị dạy, học ngoại ngữ” cho các đơn vị phía Bắc với sự tham gia của 160 đại biểu là các chuyên gia giáo dục, đại diện 22 trường ĐH, CĐ phía Bắc trong thành phần tham gia Đề Án NNQG 2020 và cán bộ phụ trách công ngệ thông tin và thiết bị dạy và học, lãnh đạo 29 sở GD&ĐT từ Quảng Bình trở ra cùng đông đảo các công ty công nghệ thông tin, thiết bị và phần mềm dạy và học ngoại ngữ.

TS Nguyễn Ngọc Hùng
TS Nguyễn Ngọc Hùng thuyết trình tại HT

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 được Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 với các mục tiêu cụ thể như sau: “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Theo TS Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Bộ phận thường trực Đề án: Một trong các nhiệm vụ chính trong Đề án được Chính phủ phê duyệt là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ với các nội dung bao gồm:
-    Xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ trong các cấp, trình độ đào tạo, ban hành tiêu chuẩn phòng học tiếng nước ngoài, phòng nghe nhìn và đa phương tiện.
-    Từng bước đầu tư mua sắm các thiết bị dạy và học Ngoại ngữ phù hợp cho các cơ sở Giáo dục theo lộ trình triển khai Đề án, đảm bảo 100% các trường tham gia Đề án đều có phòng học tiếng nước ngoài và phòng nghe nhìn.
-    Xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ về công tác sử dụng thiết bị dạy và học ngoại ngữ, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường.
 
Đánh giá chung về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ trong năm 2011 vừa qua có những thuận lợi và khó khăn như sau:

Nhiều thuận lợi khi triển khai thực hiện Đề án, Ban Quản lý Đề án NNQG 2020 đã phối hợp với các Vụ/Cục của Bộ GD&ĐT để xây dựng danh mục thiết bị dạy học bao gồm: thiết bị dạy học tối thiểu và hệ thống dạy học ngoại ngữ chuyên dụng. Bộ GD&ĐT đã có công văn số 5893/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 06/9/2011 gửi các Sở GD&ĐT hướng dẫn việc mua sắm thiết bị dạy học môn ngoại ngữ cho các trường Tiểu học kèm theo danh mục thiết bị đã được lựa chọn để các địa phương có cơ sở trong việc mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy. Kinh phí đầu tư cho thiết bị được phân bổ về các tỉnh/thành và các trường Đại học tham gia Đề án.

Hàng năm bên cạnh nguồn kinh phí của Trung ương, UBND các tỉnh/thành và các sở/ban ngành thuộc tỉnh/thành đã có những đầu tư thêm kinh phí và nhiều hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc tỉnh/thành của mình để từng bước trang bị đầu tư phòng học ngoại ngữ với đầy đủ trang thiết bị cho các cấp học dần dần đáp ứng yêu cầu dạy và học ngoại ngữ theo chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên cũng không khỏi có những khó khăn:
-    Một số cơ sở giáo dục, đặc  biệt các trường học ở các vùng khó khăn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất và các thiết bị tối thiểu phục vụ dạy và học ngoại ngữ;
-    Đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý, sử dụng thiết bị chưa được biên chế đầy đủ; một số chưa qua đào tạo cơ bản nên còn yếu về chuyên môn dẫn đến những hạn chế trong việc khai thác sủ dụng có hiệu quả các thiết bị & các phần mềm phục vụ dạy và học ngoại ngữ;
-    Việc đầu tư trang thiết bị dạy học ngoại ngữ những năm trước còn hạn chế, (đầu tư ít không đồng bộ, sử dụng chưa đạt hiệu quả như mong muốn );
-    Các tỉnh/thành chưa được hướng dẫn rõ tỷ lệ kinh phí dành cho từng hạng mục nhiệm vụ. Vì vậy việc phân bổ kinh phí cho thiết bị dạy và học ngoại ngữ giữa các tỉnh/thành chưa có sự thống nhất chung;
-    Các tỉnh/thành và cơ sở giáo dục có khó khăn trong việc lựa chọn các thiết bị phù hợp, một phần do danh mục các thiết bị giảng dạy và công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành chậm (cuối quý 3 năm 2011);
-    Các trường ĐH, CĐ cũng như các Sở GD&ĐT đã gặp những khó khăn nhất định trong việc mua sắm thiết bị bởi những quy định trong Nghị định của Chính phủ liên quan tới mua sắm và cắt giảm chi tiêu công. Vì thế có một số đơn vị mua sắm được thiết bị dạy và học ngoại ngữ, nhưng cũng có những đơn vị chưa thể đã không thể giải ngân mua sắm thiết bị được.
 
Nhằm khắc phục những khó khăn trên, Đề án đã đưa ra các giải pháp thực hiện: Trên cơ sở các số liệu đánh giá chung, bước sang năm 2012, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tỷ lệ dành cho thiết bị dạy và học ngoại ngữ trong tổng kinh phí phân về các tỉnh/thành và các trường đại học,/cao đẳng tham gia Đề án. Việc phân bổ cụ thể theo hạng mục đã tạo được những thuận  lợi và sự chủ động cho các cơ sở giáo dục chủ động trong việc mua sắm thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ.

 Phòng lab trưng bày tại Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự
Phòng lab trưng bày tại Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, các chuyên gia đã đưa ra tư vấn và hướng dẫn các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ và các cơ sở giáo dục về các quy định của chính phủ và của Bộ GD&ĐT trong việc triển khai mua sắm các thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ; đồng thời hội thảo đã bố trí để các công ty và doanh nghiệp trực tiếp báo cáo và trao đổi về các công năng của các sản phẩm công nghệ thông tin, các loại thiết bị và phần mềm về dạy và học ngoại ngữ phù hợp phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ cho các đối tượng người học ở các cấp học. Đã có 8 phòng trưng bày và demo các sản phẩm công nghệ thông tin, các thiết bị và các phần mềm dạy và học ngoại ngữ cùng những trình bày về các công năng và tính ưu việt của các thiết bị và phần mềm dạy và học ngoại ngữ được trưng bày và giới thiệu tại Hội thảo.

Yên Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ