Hội thảo khu vực về giáo dục di sản phi vật thể trong trường học

GD&TĐ - Tại Hà Nội, trong ngày 24 - 25/3/2015 Bộ GD&ĐT; Bộ VH,TT&DL và UNESCO phối hợp tổ chức Hội thảo về “Dạy học với di sản phi vật thể vì một tương lại bền vững”.

Hội thảo khu vực về giáo dục di sản phi vật thể trong trường học

Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; TS Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; TS Katherine Muller - Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội... và hơn 60 chuyên gia quốc tế và Việt Nam từ 13 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực giữ gìn di sản văn hóa và công tác giáo dục di sản trong môi trường học đường.

Hội thảo không chỉ chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi triển khai thí điểm công tác giảng dạy về di sản trong môi trường giáo dục được thực hiện trong 2 năm vừa qua (2013 - 2014) tại 4 quốc gia (Pakistan, Palau, Uzbekistan và Việt Nam), khám phá cách để tích hợp các di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững trong giáo trình hiện tại mà các cơ quan quản lý giáo dục và văn hóa còn xác định rõ ràng hơn việc gìn giữ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người.

Cũng vì vậy công tác Giáo dục di sản – đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường là một trong những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể cũng là linh hồn, sự sống làm nên giá trị các di tích văn hóa vật thể.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hóa, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hóa để dạy học.

Việc sử dụng di sản văn hóa để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hóa.

Bởi vậy chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa địa phương và dân tộc, phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường ở: Nông thôn, đô thị, miền núi, ven biển, hải đảo... và mọi đối tượng học sinh.

“Quan điểm chỉ đạo là lấy học sinh và hoạt động học làm trung tâm; tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa gần gũi, xung quanh môi trường sống, dễ hiểu với học sinh và sử dụng những kinh nghiệm và tri thức của người địa phương.

Hiện nay, giảng dạy về di sản đã là yêu cầu với các trường phổ thông. Các dự án đưa di sản vào trường học có được tác động tích cực nhưng còn không ít thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục, văn hóa…” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ